Nơi hạnh phúc ở lại
* Truyện ngắn của LÊ THỊ XUYÊN
-Thầy ơi, chỗ này bị dột!
- Chỗ này nữa thầy ơi!
- Chỗ này cũng dột nữa!
Lớp học nhao nhao hướng về Thái, ánh mắt nào cũng khẩn khoản. Ngoài trời, mưa vẫn tầm tã. Gió thốc vào phòng học từng cơn rin rít. Học sinh, đứa nào đứa ấy ngồi co rúm lại cạnh nhau như để chống chọi lại với cái lạnh của những cơn mưa đông đầu mùa. Đứa thì chân tay nổi da gà, đứa môi thâm tím, đứa run lên bần bật, hai hàm răng canh cách va đập vào nhau trông đến tội nghiệp. Chỉ có một, hai em là có cái áo ấm mặc tạm. Còn lại, đứa nào cũng chỉ phong phanh manh áo vải, thêm cái quần đùi cộc co rúm ró, ngắn cũn. Thế mà đứa nào, trên môi cũng rạng rỡ tươi cười khi trò chuyện với nhau khiến Thái thấy thương quá đỗi.
Mưa càng nặng hạt. Cả thầy lẫn trò tìm giẻ, tìm phên che tạm hai bên tường trống hổng trống hoảng nhưng xem ra vẫn không thể ngăn được nước mưa tạt vào. Lớp học vốn dĩ dột nát lại càng trở nên tồi tàn khi mùa mưa bắt đầu đến. Thái lặng lẽ ngắm nhìn khuôn mặt từng em học trò tội nghiệp, trong lòng không khỏi xót xa thương cảm. Anh nhủ thầm cầu mong trời hãy ngừng mưa gió. Sách vở của các em ướt hết rồi… Thái buông tiếng thở dài, khẽ lắc đầu bên cái nhìn xuyên qua màn mưa vẫn đang xối xả ngoài trời. Thấy thầy bần thần nghĩ ngợi, Làng liền bước lại, cầm lấy tay thầy, hỏi:
- Thầy ơi, đến khi nào mới hết mưa? Thái quay nhìn Làng rồi lại nhìn những cặp mắt tội nghiệp đứng chen chân ở một góc phòng học, trên tay ôm những cuốn vở, tập sách đặt trước ngực như bảo vệ một món quà quý giá. Xoa đầu học trò, Thái nhẹ nhàng:
- Trời sẽ nhanh tạnh mưa thôi các em!
Thái đang lúi húi dưới bếp. Bếp của khu nhà tập thể giáo viên trường cũng dột lỗ chỗ làm đống củi khô lấy từ ngoài bìa rừng về từ chiều hôm trước trở nên ẩm ướt. Nồi cơm vẫn sôi trên bếp. Thái ra sức thổi lửa. Khói nghi ngút quấn quyện thành vòng bay lên làm mắt anh cay xè. Bé Thoa, con gái của anh năm nay lên 6 tuổi chạy xuống lấy tay xoa bụng, mặt sụ lại:
- Ba ơi, con đói! Thái đưa tay quệt ngang dòng nước mắt lòe nhòe, cười an ủi:
- Con gái chờ ba nhé! Một tí nữa là có cơm ăn! Thoa dạ một tiếng. Nhìn vẻ cặm cụi của ba, con bé liền hỏi:
- Sao mẹ đi mãi mà chưa về với ba con mình vậy ba? Giá có mẹ về thì vui biết mấy ba nhỉ? Câu hỏi ngây thơ của con gái vô tình làm trái tim Thái thắt lại. Đã mấy năm nay, anh tìm cách lảng tránh những câu hỏi của con về mẹ nó. Mỗi lần con nhớ mẹ, mỗi lần nó đứng tựa cửa nhìn xa xăm hay trông thấy mẹ của cô cậu học trò nào đó dẫn con đến trường, nó lại hỏi anh:
- Mẹ đi xa lâu về thế ba nhỉ? Khi đó, anh lại lặng im, trong lòng vô cùng đắng đót. Con bé còn nhỏ quá. Sẽ rất tội nghiệp nếu nó biết rằng mẹ nó đã chết. Hãy cứ để tuổi thơ của nó hồn nhiên như vốn có. Hãy cứ để nó nghĩ rằng mẹ nó đi xa đâu đó chưa về… Để nó có dịp được mơ ước, được chờ đợi, hi vọng. Sau này, khi con lớn lên chút nữa, mình sẽ tìm cách nói với con cũng chưa muộn. Thái đã từng tâm sự với Hùng, đồng nghiệp trong trường mình như thế.
Thái và Hòa cùng tuổi, cùng lớp phổ thông với nhau. Tình cảm thương yêu dần nảy nở, được cả hai vun đắp cả một thời cấp 3 và suốt 4 năm đại học. Ra trường, cả hai tình nguyện lên miền núi dạy học rồi nên duyên vợ chồng. Cuộc sống ở vùng núi thiếu thốn, vất vả về mọi mặt. Trong khi nhiều đồng nghiệp khác chỉ ở đây một thời gian ngắn rồi cũng tìm cách về dưới xuôi thì vợ chồng Thái ngay từ đầu đã xác định đây sẽ là quê hương thứ hai của mình. Hòa từng nói với chồng, nếu ai cũng bỏ đi, cũng trốn tránh những nơi khó khăn thế này thì lấy ai gieo chữ, lấy ai giúp đỡ các em vùng cao tìm đến với con chữ. Thái đồng tình với vợ. Hai vợ chồng dành hết sự quan tâm, nhiệt tình cho những đứa trẻ làng bản. Cuộc sống của vợ chồng Thái càng gắn kết và hạnh phúc hơn khi bé Thoa ra đời.
Những tưởng tổ ấm bé nhỏ ấy sẽ là nguồn động lực cho cả hai vợ chồng Thái mãi mãi. Nào ngờ… Ngày bé Thoa vừa tròn 3 tuổi cũng là ngày Hòa mất vì ung thư. Nhớ đến lời hứa với vợ, Thái nhận ra, mình cần mạnh mẽ để làm trụ cột cho con. Anh tìm mọi cách bù đắp tình cảm cho con gái, yêu thương chăm sóc con thay vợ. Còn với học trò, không chỉ nhiệt tình, tận tụy trên lớp, anh còn đến tận nhà của các em, có khi vào tận rẫy, tận nương để động viên các em đến lớp. Tình cảm của Thái không chỉ lay động đến học trò mà còn được rất nhiều phụ huynh quý mến.
Thái nhớ nhiều hôm đến trường, Mong, lớp trưởng lớp anh chủ nhiệm đi học thường đem theo măng rừng. Cậu bé đưa mấy cái măng non mập ú, trắng nõn về phía Thái rồi gãi đầu cười:
- Em cho thầy! Hôm qua chủ nhật, em vào rừng hái đấy thầy ạ! Còn thằng Lúng thì cầm cây mía dài ngoằng, cười tít:
- Mía này vườn nhà em trồng, ngọt lắm! Mẹ bảo em mang tới cho thầy. Đấy là chưa kể nào thì bầu, bí, rồi rau rừng, quả rừng… có gì ăn được, các em đều không quên đem tới biếu thầy. Thái cảm động vì sự chân thành của các em học trò nghèo. Tấm lòng và tình yêu thương của chúng đã vực Thái đứng dậy sau mất mát lớn lao trong đời.
Vừa làm cha, vừa làm mẹ, tình cảm của Thái đối với con khiến đồng nghiệp trong khu tập thể ai nấy đều xúc động. Thái dạy con học bài, dạy con tập vẽ, dạy con tập hát, kể cho con nghe về mẹ của nó bằng tình yêu thương đong đầy... Con bé Thoa mới từng ấy tuổi nhưng thương anh lắm. Thấy ba nó quét phòng, nấu cơm, rửa chén, nó cũng tranh làm. Nửa đêm tỉnh giấc, thấy ba vẫn miệt mài chấm bài, nó năn nỉ anh đi ngủ cho bằng được vì sợ ba thức khuya ngày mai sẽ mệt. Hằng ngày, nó vẫn thường theo anh lên trường. Các anh chị học trò của ba ngồi chăm chỉ học bài, còn nó thì ngồi vòng tay ngoan ngoãn lắng nghe ba dạy. Những giờ ra chơi, con bé hòa đồng vui vẻ. Có lần Thái đưa con về dưới xuôi thăm gia đình, đám học trò của anh xúm xít tranh nhau dặn vì sợ thầy và bé Thoa sẽ không trở lại bản làng nữa. Cũng không ít người như thế rồi mà.
Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG
Mưa tạnh. Thái cùng đồng nghiệp trèo lên sửa lại cái mái che của phòng học. Anh cẩn thận cột lại từng tấm tranh, thi thoảng nhìn xuống cười vui vẻ với học trò. Lán và Lăng, hai cậu học trò lớp Thái chủ nhiệm khiêng tới những thanh lồ ô kèm theo những tấm tranh đã được bện cẩn thận. Thấy thầy, từ xa hai đứa hồ hởi gọi:
- Thầy ơi, chúng em cũng muốn giúp thầy! Mấy đứa khác vẫn đang đứng túm tụm lại với nhau nhìn thầy sửa sang lại phòng học với ánh mắt và giọng nói đầy cảm phục, hào hứng:
- Thầy chúng mình giỏi quá!
- Lớp học của mình sẽ không bị dột nữa.
- Bọn mình có thể yên tâm học rồi!
Trời mấy bữa nay đã bắt đầu vào đông. Trong ánh mắt đăm chiêu của Thái ánh lên nỗi lo cho những học trò nghèo. Có tận mắt chứng kiến những đứa trẻ thiếu cái ăn, cái mặc nhưng vẫn khát khao được học con chữ, mới thấy rằng, mình chẳng thể làm ngơ hay vô tâm, vô tình. Thái và Hùng thường xuyên liên hệ với bạn bè dưới xuôi để được giúp đỡ. Cứ mỗi lần như thế, rất nhiều món quà nhỏ, cần thiết và ý nghĩa đã đến với các em học sinh vùng cao, giúp các em có thêm nghị lực, niềm vui trong học tập.
Hôm nay, bọn trẻ đến trường từ rất sớm. Chuyện là buổi học hôm trước, Lúng, Lán, Lăng và những người bạn của mình đã được thầy chủ nhiệm thông báo rằng có một đoàn thiện nguyện dưới xuôi sẽ lên trường mình vào sáng nay. Chúng háo hức đợi với niềm hồi hộp chưa từng có. Rồi thì chúng thì thầm với nhau về một chuyện gì đó có vẻ bí mật lắm. Đứa cười, đứa nói,… vang rộn cả sân trường.
Sau cơn mưa, trời lại tươi sáng và trong xanh. Mây ngàn gối mình lên nhau ngủ ngon lành mặc cho gió đẩy đưa du ngoạn khắp vòm trời. Rừng vọng lên khúc nhạc của chim, của đàn vượn, của tiếng gió quyện theo hương rừng thoảng thơm dìu dịu. Đứa có chiếc áo ấm, khăn ấm…; đứa có hộp bánh ngọt, cuốn truyện hay,… Nghĩ đến niềm vui của lũ trẻ mới được nhận quà, sống mũi Thái bỗng nhiên cay xè.
- Ba ơi! Ba ra đây xem này! Nghe con gái gọi, Thái bước ra thì thấy học trò đã đứng chật trước cửa phòng. Trên tay đứa nào cũng cầm một bó hoa rừng đủ màu sắc. Riêng thằng bé Mong thì đem tới một cây ổi lớn gần ngang bằng nó, quả non đã kết chùm lúc lỉu. Con bé Thoa cười híp mí. Còn Thái thì chỉ biết đứng tần ngần ngắm những bó hoa nhỏ xinh xinh, những nụ cười rạng rỡ, trong sáng của từng cô cậu học trò. Lòng anh râm ran một niềm hạnh phúc khó nói thành lời.