Thêm cơ hội hạn chế rối loạn chuyển hóa cho bệnh nhân
Ngày 20 và 21.10, thông qua phiên đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị khoa học thường niên của Hội Lọc máu Việt Nam, đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế BVÐK tỉnh, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (Bộ Y tế) có thêm cơ hội, kỹ năng tầm soát thực tế điều trị tại cơ sở của mình; tiếp cận chuyên sâu trong hạn chế vấn đề rối loạn chuyển hóa ở bệnh nhân chạy thận.
Tại tỉnh Bình Định, BVĐK tỉnh và Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa là 2 đơn vị có khả năng tổ chức chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân trong và ngoài tỉnh. Để nâng cao chất lượng, kết quả hoạt động chạy thận các cơ sở y tế rất quan tâm vấn đề rối loạn chuyển hóa.
Bệnh nhân suy thận mạn đang điều trị tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa. Ảnh: T.KHUY
Với 60 máy chạy thận và 400 bệnh nhân ngoại trú, mỗi ngày Khoa Nội thận - Lọc máu (BVĐK tỉnh) có 4 ca chạy thận, mỗi ca có 60 bệnh nhân. Bác sĩ Võ Thị Kim Ngân, Khoa Nội thận - Lọc Máu (BVĐK tỉnh) - người báo cáo đề tài “Nghiên cứu nồng độ acid uric máu, bệnh gút và một số yếu tố liên quan ở người bệnh lọc máu chu kỳ tại BVĐK tỉnh Bình Định” tại Hội nghị do Hội Lọc máu Việt Nam tổ chức tại Bình Định vào ngày 20 và 21.10 - chia sẻ: Hội chứng rối loạn chuyển hóa trong bệnh nhân chạy thận là một vấn đề khó. Lượng bệnh nhân ngày càng đông, cơ sở vật chất tại Khoa còn nhiều hạn chế, thiếu thốn nên việc làm sao để nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc bệnh nhân gặp nhiều khó khăn. Rất nhiều bệnh nhân chạy thận mắc hội chứng chuyển hóa như gãy xương bệnh lý hoặc cường tuyến cận giáp thứ phát. Đến nay, chúng tôi chỉ mới điều trị triệu chứng chứ chưa thể xử lý triệt để. Hơn nữa, bệnh nhân chạy thận hầu hết rất nghèo, mức sống thấp, nên vừa thiếu điều kiện để giữ ổn định thể trạng, gần như không có điều kiện để tiếp cận những phương pháp điều trị cao hơn. Rất nhiều bệnh nhân có bệnh trạng quá khả năng điều trị của chúng tôi, nhưng chuyển lên tuyến trên để được điều trị, chăm sóc tốt hơn thì họ không có điều kiện đáp ứng. Đó cũng là một thách thức lớn với người thầy thuốc.
“Việc chạy thận nhân tạo tại tỉnh Bình Định được thực hiện đã nhiều năm và khá tốt. Những năm qua, các cơ sở y tế phục vụ số lượng bệnh nhân chạy thận ngày càng đông, không chỉ riêng người bệnh tại Bình Định mà còn ở các tỉnh lân cận như Gia Lai, Phú Yên, Quảng Ngãi...”
Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế
Tất cả bệnh nhân chạy thận đều đối mặt với nhiều nguy cơ gặp biến chứng, giảm sút sức khỏe. Hơn nữa, khi đã chạy thận bệnh nhân sẽ mất sức lao động, kinh tế gia đình sa sút, mất dần khả năng cải thiện các điều kiện dinh dưỡng. Do vậy, đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế ở đơn vị chạy thận thường xuyên nỗ lực tiếp cận nhiều giải pháp, kinh nghiệm từ các chuyên gia đầu ngành, các bệnh viện lớn để vận dụng trong quá trình điều trị ở đơn vị, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng điều trị, giảm chi phí cho bệnh nhân.
Cùng với BVĐK tỉnh, từ năm 2018, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa đưa vào hoạt động đơn vị chạy thận nhân tạo; mỗi ngày điều trị cho 20 bệnh nhân nội trú và ngoại trú. Bác sĩ CKI Trần Văn Định, phụ trách đơn vị thận nhân tạo của bệnh viện, chia sẻ: Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề rối loạn chuyển hóa ở bệnh nhân chạy thận vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng điều trị, sức khỏe của bệnh nhân. Tại Hội nghị khoa học thường niên của Hội Lọc máu Việt Nam vừa tổ chức ở TP Quy Nhơn, chúng tôi tiếp thu được rất nhiều kiến thức, vấn đề chuyên sâu rối loạn chuyển hóa như beta 2-m, PTH, photpho, canxi, lipid máu làm tăng các yếu tố nguy cơ đột quỵ tim mạch, loãng xương, thiếu máu, rối loạn giấc ngủ, tăng huyết áp kháng trị... dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống cũng như tăng nguy cơ tử vong ở bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Việc cập nhật thông tin cũng như trao đổi trực tiếp với các chuyên gia giúp chúng tôi tháo gỡ được một số vướng mắc.
Điều trị tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa gần 1 năm với các vấn đề về sức khỏe như suy thận mạn, viêm phổi, suy mạch vành, bệnh nhân T.C.T (56 tuổi, quê ở TX Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) chia sẻ: Định kỳ tôi lọc máu 3 lần/tuần theo chỉ định của bác sĩ. Từ ngày bị bệnh, sức khỏe tôi giảm sút rất nhiều, rất may được các bác sĩ và nhân viên y tế chăm sóc chu đáo, tôi yên tâm hơn.
Chia sẻ về vấn đề hạn chế rối loạn chuyển hóa cho bệnh nhân, bác sĩ Võ Thị Kim Ngân cho biết thêm: Qua hội nghị này và nhiều hội nghị trước nữa, chúng tôi thấy triển khai lọc máu hấp thụ rất tốt cho bệnh nhân của mình. Kỹ thuật này vừa giảm được rối loạn trong hội chứng chuyển hóa vừa giảm tình trạng ngứa, tình trạng tràn dịch màng phổi... Thời gian tới, các bác sĩ của khoa sẽ tham mưu để triển khai kỹ thuật này cho bệnh nhân.
THẢO KHUY