Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV: Dấu mốc giữa nhiệm kỳ, quyết định nhiều vấn đề hệ trọng
Hôm nay (23.10), Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc. Theo Phó trưởng Ðoàn ÐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh, đây là kỳ họp mang dấu mốc giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng, quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước.
Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc Mặt trận và các tổ chức thành viên trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Ảnh: CHƯƠNG HIẾU
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh cho biết, dự kiến tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật, bao gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; Luật Căn cước; Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đồng thời, sẽ xem xét, cho ý kiến đối với 8 dự án luật.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; Nghị quyết về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.
Quốc hội sẽ tiến hành đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước năm 2023 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024. Xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ: Kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển KT-XH, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công...
● Bên cạnh các nội dung kể trên, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV còn có những vấn đề hệ trọng nào, thưa bà?
- Đây là kỳ họp đánh dấu mốc giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong đánh giá việc thực hiện các kế hoạch 5 năm cũng như hằng năm.
Trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành công việc quan trọng là lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là dịp để những người được lấy phiếu tín nhiệm cùng nhìn nhận khách quan, toàn diện hơn về kết quả thực hiện nhiệm vụ của bản thân, từ đó quyết tâm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác trong thời gian đến.
Cử tri xã Hoài Phú (TX Hoài Nhơn) nêu kiến nghị với PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, diễn ra ngày 4.10. Ảnh: DƯƠNG LINH
Đặc biệt, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn trong Kỳ họp có điểm khác biệt so với trước đây. Quốc hội sẽ tập trung xem xét việc thực hiện cam kết của các bộ trưởng, trưởng ngành, cũng như việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay. Do đó, nội dung chất vấn rất rộng, bao quát nhiều vấn đề, khía cạnh của đời sống KT-XH.
● Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt, với nhiều diễn biến mau lẹ, bất ổn trên trường quốc tế. Theo bà, bối cảnh ấy đặt ra những yêu cầu nào đối với Kỳ họp?
- Để thực hiện tốt chức năng của Quốc hội, hoàn thành được khối lượng công việc lớn, có ý nghĩa quan trọng kể trên, Quốc hội phải tổng hợp, phân tích, đánh giá chính xác, toàn diện, đầy đủ tình hình trong nước đặt trong bối cảnh quốc tế.
Yêu cầu đặt ra với mỗi đại biểu là phải tập trung cao độ, phát huy trí tuệ, tâm huyết, tham gia tích cực vào tất cả nội dung của Kỳ họp. Từ đó, góp phần để Quốc hội phát huy khả năng dự báo tình hình, đưa ra những quyết sách mang tính mạnh mẽ, táo bạo, sát thực tiễn liên quan đến sự phát triển của đất nước thời gian đến.
● Trước kỳ họp này, hoạt động tiếp xúc cử tri tiếp tục được chú trọng. Xin bà cho biết một số nội dung đáng chú ý từ kiến nghị của cử tri trong tỉnh?
- Trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức 21 hội nghị tiếp xúc cử tri, với khoảng 1.750 cử tri đến dự. Qua hoạt động tiếp xúc cho thấy cử tri trong tỉnh rất quan tâm, theo sát tình hình thực hiện nhiệm vụ của Quốc hội nói chung, Đoàn ĐBQH tỉnh nói riêng. Cử tri có nhiều ý kiến sát đúng với tình hình thực tiễn.
Cử tri huyện Phù Cát nêu kiến nghị tại buổi tiếp xúc giữa ĐBQH Hồ Đức Phớc - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh với cử tri là cán bộ, công chức, viên chức, LLVT huyện Phù Cát trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 10.10. Ảnh: N. HÂN
Trong nhiều nội dung kiến nghị của cử tri, đáng chú ý có việc ứng dụng chuyển đổi số, tích hợp các cơ sở dữ liệu công dân còn nhiều khó khăn, chưa đồng bộ, liên thông, nhất là trong thực hiện các dịch vụ công, thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, hạ tầng viễn thông tại các khu vực miền núi chưa đảm bảo phủ sóng ổn định và khả năng tự trang bị, cũng như sử dụng điện thoại thông minh của người dân ở các khu vực này còn rất hạn chế. Cử tri kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan quan tâm có giải pháp phù hợp với thực tế, theo đặc điểm vùng, miền và có phương pháp tháo gỡ những vướng mắc, đảm bảo tính khả thi.
Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra từ ngày 23.10 - 29.11; tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 23.10 - 10.11, đợt 2 từ ngày 20.11 - 29.11. Kỳ họp được tổ chức theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội (TP Hà Nội).
Liên quan đến đầu tư các công trình giao thông trọng điểm, hiện nay, trữ lượng vật liệu cát xây dựng trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua địa bàn tỉnh, nhưng về trữ lượng cát được cấp phép hiện tại không đủ. Do đó, cử tri kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND các tỉnh khu vực miền Trung được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông mà không phải lập lại dự án đầu tư điều chỉnh, báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Hiện nay, tiến độ thi công dự án nâng cấp, mở rộng QL 19 kết nối Tây Nguyên rất chậm, nhiều hạng mục còn dở dang làm ảnh hưởng đến phương tiện lưu thông; khi xảy ra mưa lớn gây sạt lở taluy, đất đá trôi vào nhà dân, ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống nhân dân; một số vụ tai nạn đã xảy ra khi thi công tuyến đường này. Cử tri đề nghị Bộ GTVT xem xét chỉ đạo nhà thầu, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Các vấn đề xã hội cũng nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri. Cử tri kiến nghị Chính phủ sớm ban hành tiêu chí xác định “người lao động có thu nhập thấp” để thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xem xét, đánh giá các yếu tố đặc thù về điều kiện lao động của giáo viên mầm non, y tá, điều dưỡng trong các cơ sở y tế và bổ sung vào “Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm…”, để đối tượng này được hưởng chế độ nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với lao động trong điều kiện bình thường theo quy định của Bộ luật Lao động...
● Xin cảm ơn bà!
MAI LÂM (Thực hiện)