Năm 2024, Việt Nam có thêm 4 triệu người trung lưu
Trong năm 2024, Việt Nam có thêm 4 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu và đến 2030 có thêm 23,2 triệu người, theo World Data Lab.
World Data Lab, tổ chức phân tích dữ liệu uy tín toàn cầu, trụ sở tại Vienna, Áo xác định trung lưu là người chi tiêu ít nhất 12 USD mỗi ngày (theo sức mua tương đương năm 2017).
Trong danh sách 9 quốc gia châu Á được dự báo có số người gia nhập tầng lớp trung lưu lớn nhất năm 2024, Việt Nam đứng thứ 5, với 4 triệu người. Đứng đầu là Ấn Độ (33 triệu), theo sau là Trung Quốc (31), Indonesia (5), Bangladesh (5). Các nước còn lại là Pakistan (3), Philippines (2), Thái Lan (1), Thổ Nhĩ Kỳ (1).
Việt Nam sẽ có thêm 4 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu trong năm 2024
World Data Lab dự báo 113 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu trong năm 2024, phần lớn ở châu Á. Hơn 1 tỷ người ở châu lục này gia nhập tầng lớp trung lưu vào năm 2030, trong đó Việt Nam có thêm 23,2 triệu người.
World Data Lab được xem là nguồn dữ liệu đáng tin cậy. Chuyên gia của họ sử dụng các phương pháp khoa học dữ liệu tiên tiến để mô hình hóa, dự báo sức mua và động lực dân số ở cấp độ chi tiết, trên toàn thế giới. Dữ liệu được lấy từ các nguồn được công nhận, bao gồm các cơ quan chính phủ, tổ chức quốc tế và các nhà nghiên cứu độc lập.
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết 2022, dân số Việt Nam hơn 99,46 triệu người, GDP 9,5 triệu tỷ đồng (409 tỷ USD), tăng 8,02% so với năm 2021. GDP bình quân đầu người năm 2022 khoảng 95,6 triệu đồng/người tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021.
Với mức GDP bình quân đầu người này, Việt Nam xếp thứ 6 khu vực Đông Nam Á và thứ 124 trên thế giới.
Một báo cáo năm 2022 của Bộ LĐTBXH cho thấy, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam chiếm 13% dân số (xấp xỉ 13 triệu người) và có thể tăng lên 26% vào năm 2026.
Theo GS, TS Trịnh Duy Luân (Hội Xã hội học Việt Nam), khái niệm “tầng lớp trung lưu” được dịch từ cụm từ “middle class” (giai cấp trung lưu). Các nhà kinh tế học định nghĩa tầng lớp trung lưu là tập hợp những người có mức thu nhập khá giả trong các tầng lớp xã hội, như một chủ thể kinh tế độc lập, phân biệt với nhóm giàu có và nhóm nghèo xét theo mức thu nhập.
Các nhà xã hội học xem tầng lớp trung lưu là một bộ phận trong cấu trúc phân tầng xã hội, là tầng lớp “nằm giữa” nhóm nghèo và nhóm giàu, góp phần trung hòa hoặc giảm nhẹ sự phân hóa giàu nghèo, phân cực xã hội.
“Căn cứ vào nhiều kết quả nghiên cứu cũng như mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, dự báo đến năm 2030, tầng lớp trung lưu nước ta có thể chiếm từ 50-55% dân số”, GS.TS Trịnh Duy Luân viết trên Tạp chí Lý luận chính trị hồi đầu năm.
Tầng lớp trung lưu đang phát triển mang lại nhiều lợi thế cho quốc gia. Theo nhà nghiên cứu Yusuf Amdani của tạp chí Forbes (Mỹ), trong lịch sử, tầng lớp trung lưu của một quốc gia đại diện cho sức khỏe kinh tế tổng thể của quốc gia đó. Phân khúc thu nhập trung bình đang phát triển thường báo hiệu mức độ giàu có và phúc lợi cao hơn, mở ra triển vọng tài chính vững mạnh cho đất nước.
Tầng lớp trung lưu đang phát triển giúp trình độ học vấn trung bình của quốc gia cao hơn. Theo ông Amdani, khi các gia đình thoát khỏi đói nghèo, viễn cảnh tương lai của họ sẽ thay đổi. Thay vì tập trung vào các nhu cầu hàng ngày như bữa ăn tiếp theo hoặc đi khám bác sĩ, họ có thể lập kế hoạch ngân sách và toan tính lâu dài hơn, có thể tiết kiệm tiền, ưu tiên việc học hành của con cái.
Vì vậy, nếu cha mẹ chỉ học đến tiểu học, họ có thể đặt mục tiêu cho con cái học trung học hoặc cao hơn là đại học. Khi trưởng thành, những người trẻ này sẽ đóng góp tốt hơn cho xã hội.
Tầng lớp trung lưu với mức lương cao hơn trong cộng đồng ngày càng lớn hơn có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn. Quy mô thị trường tăng lên, dẫn đến doanh thu của các doanh nghiệp cao hơn. Sự phát triển này cũng thường được phản ánh qua cơ sở hạ tầng của xã hội, khi những con đường tốt hơn được xây dựng, những tòa nhà đổ nát được cải tạo bên cạnh những công trình mới.
Tầng lớp trung lưu gia tăng giúp thêm nhiều người có cơ hội tiếp cận việc học nghề hoặc các khóa đào tạo, được trả lương cao hơn, các công ty vì thế cũng phát triển các mô hình kinh doanh hiện đại, đa dạng hơn.
Quy mô tầng lớp trung lưu gia tăng còn giúp giảm di cư dân số cơ học. Khi người lao động sống ở khu vực thu nhập thấp và thiếu cơ hội việc làm, họ có xu hướng tìm kiếm việc làm ở nơi khác. Ở các quốc gia đang phát triển, điều này thường dẫn đến mức độ di cư cao hơn.
Tuy nhiên, nếu người lao động tìm thấy cơ hội cải thiện đời sống gần nhà, họ thường sẽ không ly hương. Khi người sử dụng lao động trả mức lương cao hơn mức trung bình trong khu vực, người lao động thường có động lực ở lại với công ty. Cha mẹ cùng nhau chăm lo gia đình (do không phải đi làm xa) mang đến cho trẻ em môi trường phát triển lành mạnh hơn.
Theo ANH MINH (VTC News)