Rạng ngời hào khí trời Nam
Ðã 155 năm trôi qua, khí phách quật cường cùng sự hy sinh bi hùng lẫm liệt của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực vẫn lưu lại dấu ấn đậm sâu trong lòng nhân dân. Nhân dân, đất nước mãi tri ân vị anh hùng làm nên lịch sử, rạng ngời hào khí nước Nam.
Gương sáng người xưa
Trong cuộc kháng Pháp giữa thế kỷ XIX đã xuất hiện nhiều tấm gương kiên trung dám quên mình xả thân vì nước vì dân. Uy danh và công trạng của các bậc tiền nhân luôn khắc sâu trong tâm khảm của thế hệ sau này. Cùng với những anh hùng như: Trương Định (1860 - 1864), Võ Duy Dương (1860 - 1886)…, gương sáng Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (1838 - 1868) được nhân dân, đất nước tôn vinh, ngàn đời khắc ghi.
Nguyễn Trung Trực sinh ra tại xóm Nghề, làng Bình Nhựt, huyện Cửu An, phủ Tân An (nay là xã Bình Ðức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An), có nguyên quán ở xóm Lưới, làng Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, trấn Bình Định (nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát). Thời trẻ, ông nổi tiếng cả văn võ lẫn đức độ, sự thông minh, khẳng khái.
Tháng 2.1859, thực dân Pháp tiến đánh thành Gia Định, bắt đầu xâm chiếm Nam Kỳ, Nguyễn Trung Trực lãnh đạo đội dân dũng gia nhập nghĩa quân do Bình Tây đại nguyên soái Trương Định lãnh đạo. Sớm bộc lộ tài năng, đức độ của một thủ lĩnh xuất sắc, ông được Trương Định trọng dụng, giao cho làm Quyền sung Quản binh đạo. Chỉ bằng những vũ khí thô sơ nhưng với sự mưu trí, gan dạ, đội quân của Nguyễn Trung Trực đã lập nên nhiều chiến công lẫy lừng; trong đó được nhắc đến nhiều nhất là trận đánh chìm chiến hạm L’Espérance (Hy vọng) tại vàm Nhựt Tảo (tỉnh Long An) vào ngày 10.12.1862; trận đánh chiếm đồn Rạch Giá ở Kiên Giang vào đêm 16.6.1868.
Sau này trong bài Điếu Nguyễn Trung Trực, nhà thơ lỗi lạc Huỳnh Mẫn Ðạt đã khắc họa: “Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa/ Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần (Lửa bừng Nhựt Tảo rêm trời đất/ Kiếm tuốt Kiên Giang rợn quỷ thần).
Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực ở Bình Định góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, gắn kết cộng đồng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Là người có công với nước với dân, Nguyễn Trung Trực trở thành niềm tự hào của nhân dân Nam bộ, nhân dân Bình Định, là niềm kiêu hãnh của cả dân tộc Việt Nam, trở thành vị phúc thần trong lòng nhân dân. Câu nói bất hủ của ông: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người nước Nam đánh Tây” được lưu truyền muôn đời, tiếp thêm tinh thần yêu nước bất diệt của dân tộc.
Vị phúc thần của dân
Truyền thuyết kể rằng, khi bắt được Nguyễn Trung Trực, thực dân Pháp dụ hàng mãi không được bèn đưa ông ra chợ Rạch Giá (Kiên Giang) xử chém ngày 27.10.1868 (tức ngày 12.9 năm Mậu Thìn). Kính trọng, thương tiếc Nguyễn Trung Trực, đồng bào đã mang chiếc chiếu thấm máu người anh hùng tại pháp trường về thờ. Cũng từ đó, nghề dệt chiếu hoa với chữ Thọ được lưu truyền tại làng nghề dệt chiếu Tà Niên cho đến nay.
Từ xóm Nghề (Long An), Nguyễn Trung Trực ra đi với chí lớn, với lời thề giết giặc cứu non sông. Tại Rạch Giá (Kiên Giang), ông đã ngã xuống ở độ tuổi ba mươi phơi phới tuổi thanh xuân khi nghiệp lớn còn chưa thành. Ông ra đi vì nghĩa lớn chí cao, nên sự kính yêu, niềm thương cảm, đặc biệt là việc thần thánh hóa trong tâm thức dân gian cũng là lẽ hiển nhiên. Hơn trăm năm qua, nhân dân tại nhiều tỉnh Nam bộ, như: Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau, Long An... lập nhiều đền, đình thờ và tổ chức lễ giỗ Nguyễn Trung Trực xuất phát từ lòng kính ngưỡng công lao, đức độ của ông như một vị thần.
Mới đây hình ảnh người anh hùng trở thành phúc thần trong nhân dân được Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh dựng thành vở tuồng Khí tiết rạng trời Nam. Nơi nguyên quán của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực ở thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải (huyện Phù Cát), tỉnh Bình Định cũng đã xây dựng Đền thờ và hằng năm tổ chức lễ giỗ tưởng nhớ ngày mất của ngài. Dù có sự khác nhau về hình thức tổ chức, nhưng Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực ở Bình Định hay ở các tỉnh Nam bộ mang ý nghĩa to lớn, trở thành sợi dây gắn kết cộng đồng với nhau, cùng nhau chia sẻ, bảo tồn và phát huy những giá trị chung, đó là giá trị của chữ “trung” và “hiếu” của dân tộc Việt Nam.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Bình Định về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 155 năm Ngày mất Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (1868 - 2023), Lễ tiên thường khấn cáo nhân dịp giỗ Nguyễn Trung Trực được tổ chức vào chiều 24.10 (nhằm ngày mùng 10.9 âm lịch) và Lễ chánh kỵ diễn ra vào sáng 25.10 (nhằm ngày 11.9 âm lịch) tại Đền thờ ngài.
Dịp này, Sở VH&TT phối hợp với UBND huyện Phù Cát tổ chức thêm các hoạt động khác tại Đền thờ Nguyễn Trung Trực, như: Biểu diễn, thi đấu võ cổ truyền vào tối 22 - 23.10 (ngày 8 - 9.9 âm lịch), biểu diễn hát bội tối 24 - 25.10 (ngày 10 - 11.9 âm lịch).
ĐOÀN NGỌC NHUẬN