Trở về trong dáng hình quê hương…
Diện (NXB Hội Nhà văn, 2023) là tập thơ vừa ra mắt bạn đọc của tác giả Bạch Xuân Lộc. Không màu mè hay khuôn sáo, Diện là cuộc soi rọi vào chính mình trong những ăm ắp ký ức, tình thương, và đặc biệt là những bộc bạch tiếng lòng da diết với quê hương.
Ký ức về quê nhà của tác giả, nơi Vũng Nồm của Nhơn Lý cứ duềnh lên từ những gì nhỏ bé dung dị nhất như những mùa cay cáy, những mùa cá sơn son, những con thuyền… Ký ức về Vũng Nồm hiện lên không còn là nỗi nhớ đơn thuần về quê cũ bằng cái ăn cái mặc, mà nỗi nhớ đã lặn vào trong tâm khảm, đã ăn vào trong máu thịt: Tôi nhớ Vũng Nồm tôi nhớ tôi/ Viết lại bài thơ chỉ cho vui/ Chẳng khác gì đâu lời như cũ/ Gợi lòng mình về nỗi nhớ xa xôi!. Dẫu “bao nhiêu năm xa vắng trong đời” thì khi nhớ về chốn ấy “mọi thứ như về những buồn vui”, nghĩa là mọi kỷ niệm vẫn hồi về sống động, nguyên sơ và đầy âm vọng.
Trong nỗi nhớ thương khôn cùng về quê hương, Bạch Xuân Lộc đã đặt hình ảnh đấng sinh thành vào trung tâm bằng những câu thơ chất chứa, trĩu nặng yêu thương: Nhớ mẹ chẳng quản sớm khuya/ Cá về thuyền khẳm chợ trưa chợ chiều/ Chân mềm sột soạt nắng thiêu…; Người mang chài vãi trên sông/ Cha tôi tìm cá giữa dòng nước sâu/ Biển quê hương rộng tới đâu/ Chân trời ráng đỏ nhuộm màu tím thâm.
Những câu thơ lục bát nhẫn nại từng nhịp nâng níu nhau, bồi đắp cho nhau như chính tình yêu thương được mẹ cha vun vén, dung dưỡng, chắp cánh. Hình ảnh người mẹ hiện lên trong nét tảo tần lam lũ quen thuộc như bao đời nay bao người mẹ vẫn thế, nhưng “chân mềm sột soạt nắng thiêu” làm cho hình ảnh quen thuộc kia thêm một nét vẽ để Bạch Xuân Lộc có bức tranh người mẹ của riêng anh. Và bên cạnh đó, vẫn là người cha luôn gắn với rộng dài sông biển, như những người cha vâm váp đầu sóng ngọn gió của bao người, nhưng câu hỏi tu từ đứng phía sau hình ảnh cha lại dẫn gợi ta đến một suy tưởng khác.
Thơ Bạch Xuân Lộc cho người đọc gặp được chính mình từ những rung động riêng tư. Như vùng đất Quy Nhơn hiện lên như một nét vẽ rất mảnh mà dây dưa tâm hồn: Quy Nhơn đìu hiu/ Đèn thu leo lét/ Nét buồn xa cách/ Chỉ còn đêm mưa!. Ta tìm thấy trong tác phẩm của anh, hành trình trở về không đơn thuần là trong thực tại, mà còn có những cuộc trở về trong tâm tưởng: Đêm leo lắt ngọn đèn trên ghềnh đá/ Âm vang tiếng sóng vỗ không đều/ Lúc dồn dập lúc vắng xa/ Lòng lữ khách trở về nơi quê cũ. Một điều có thể khẳng định, dẫu có kinh qua bao nhiêu dặm dài dâu bể thì trong lòng tác giả luôn thổn thức nỗi quê nhà, vẫn vành vạnh một lối về: Vạn lối chia xa/ một lối về/ Nghìn trùng ngăn cách/ bởi đam mê/ Quê hương chốn cũ/ luôn gìn giữ/ Ghi khắc lòng tôi/ một lối về!.
Thơ Bạch Xuân Lộc mộc mạc, thậm chí nhiều thô ráp nhưng cái tình với người với quê ăm ắp của anh khiến người đọc như muốn chạm lên vẻ thô ráp đó để sẻ chia. Diện là cuộc trở về với chính mình sau bao nhiêu tìm kiếm của tác giả, và quê nhà mãi là điều tạo nên bao lắng đọng và cất cánh của điệu hồn nhà thơ: Tôi nay bỏ kiếm đầu quy/ Mong về quê cũ phú thi an nhàn…
NGÔ PHONG