Tiếp tục hỗ trợ mở rộng thị trường, siết chặt kỷ cương xã hội
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, sáng 24.10, các đại biểu tham gia thảo luận ở tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện các kế hoạch: Phát triển KT-XH năm 2021 - 2025, cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng…
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn đã tham gia thảo luận về nhiều vấn đề xung quanh tình hình phát triển KT-XH.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn thảo luận tại tổ xung quanh các vấn đề KT-XH. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Nghiên cứu báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của các cơ quan Quốc hội, đại biểu (ĐB) Lê Kim Toàn nhận thấy nhiều điểm nổi bật trong thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023.
Trước hết, kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá. Kinh tế vĩ mô ổn định. Nông nghiệp tăng 3,8%. Dịch vụ phục hồi, phát triển nhanh và rất sôi động.
Thứ hai, kết cấu hạ tầng KT-XH của đất nước được quan tâm đầu tư. Nhiều công trình trọng điểm có tính kết nối, sức lan lan tỏa cao.
Thứ ba là an sinh xã hội được đảm bảo; nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đời sống việc làm cho người dân được ban hành và quan tâm triển khai thực hiện.
Thứ tư, thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh khó khăn nhưng ước đạt và phấn đấu vượt kế hoạch. Các chỉ tiêu về lạm phát, về nợ công được kiểm soát.
Thứ năm, hoạt động đối ngoại diễn ra sôi nổi, nâng tầm vị thế của đất nước.
Bên cạnh những điểm sáng nổi bật, tình hình KT-XH vẫn còn nhiều khó khăn. Sản xuất công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, sụt giảm đơn hàng so với các năm trước. Chuỗi cung ứng đứt gãy, thị trường bị thu hẹp. Thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi. Các dự án bất động sản chưa thành tiền, chưa tạo ra sản phẩm thương mại; nếu kéo dài tình trạng này sẽ dẫn đến nguy cơ lãng phí về nguồn lực, tài nguyên và ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư thứ cấp vào thị trường.
Một số chỉ tiêu phát triển KT-XH đạt thấp so với kế hoạch; có khả năng không đạt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra và chỉ tiêu phát triển của cả nhiệm kỳ 5 năm ở các địa phương.
Trong thời gian gần đây, trật tự an toàn xã hội có những biểu hiện đáng lo ngại. Các thông tin về bạo lực xã hội, bạo lực học đường, ma túy, tai nạn giao thông, tín dụng đen… làm cử tri bất an.
Việc phân cấp, phân quyền còn hạn chế; thủ tục hành chính đã cải cách, rà soát nhiều nhưng vẫn còn khó khăn, rườm rà.
Một số quy định còn chưa thống nhất. Ví dụ như tại dự án trọng điểm về đường cao tốc Bắc - Nam, Bình Định đã bàn giao trên 94% mặt bằng nhưng có những địa bàn không thi công được vì còn nhà dân ở đó. Nguyên nhân là vì mỏ đất, mỏ cát phục vụ thi công đường cao tốc thì cho làm thủ tục rút gọn, nhưng các mỏ phục vụ tái định cư cho người dân ở cùng dự án lại phải làm thủ tục thông thường, không được rút gọn.
Nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ của năm 2024, ĐB Toàn kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hỗ trợ mở rộng thị trường thông qua các hiệp định thương mại, thông qua những hoạt động của thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, thông qua hiệp hội ngành nghề.
Đại biểu phân tích: “Trong bối cảnh và thị trường bị thu hẹp, bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cũng mong Thủ tướng chỉ đạo cho các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cùng hiệp hội các ngành nghề kết nối để mở rộng thị trường, tìm hiểu các thông tin về các DN. Vừa rồi, DN của Bình Định và Đà Nẵng gặp một “vố” khá lớn. Một bạn hàng truyền thống của các DN xuất khẩu gỗ của Bình Định và Đà Nẵng đã ký hợp đồng trị giá mấy chục triệu USD. Một số đơn hàng đã xuất đi nhưng chưa được thanh toán, một số khác đang sản xuất. Bất ngờ, bạn hàng này phá sản; các DN điêu đứng, nhất là khi vừa trải qua đại dịch Covid-19. Vấn đề là những thông tin liên quan đến đối tác nước ngoài, DN trong nước không thể tìm hiểu được mà phải thông qua các thương vụ của mình ở nước ngoài để nắm bắt”.
Đồng thời, ĐB Toàn đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các ngành tạo cơ chế hành lang pháp lý để phát triển thị trường bất động sản. Đảm bảo tính pháp lý, giá “ổn”, phù hợp với mức thu nhập và sức mua thì thị trường sẽ “ấm” trở lại.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị siết chặt kỷ cương xã hội để làm gương.
Ủng hộ cao quan điểm của Thủ tướng Chính phủ, ĐB Lê Kim Toàn đề nghị tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và kiểm soát quyền lực.
Cùng tham gia buổi thảo luận tại tổ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng tình với đề xuất của ĐB. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh 4 việc phải triển khai: Phân cấp phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường giám sát, kiểm tra. “Chính nhờ phân cấp phân quyền thì ở dưới mới chịu trách nhiệm, mới làm kỹ. Đồng thời, phải nâng cao năng lực thực thi của cán bộ và đẩy mạnh giám sát. Có như vậy mới đảm bảo quy trình chặt chẽ”, Thủ tướng nói.
ĐB Toàn thống nhất cao việc tiếp tục thực hiện các chính sách đã đề ra. Đối với các chính sách chưa đạt được mục tiêu mà còn bố trí nguồn lực, đề nghị Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện, ví dụ như gói hỗ trợ phục hồi phát triển KT-XH. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đây là chính sách đặc thù nên cần phải có cơ chế đặc thù để thực hiện chứ không máy móc giống như là nguồn chi thường xuyên.
Hiện nay, nước ta đang thực hiện các mô hình thí điểm ở các địa phương, thành phố, ĐB Lê Kim Toàn đề nghị cần phải có Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm, có đánh giá tổng kết, xem xét việc có nhân rộng ra các địa phương khác hay không.
NGUYỄN MUỘI