Kỳ vọng học bạ, sổ điểm điện tử
Thông tin Bộ GD&ĐT sẽ thí điểm dùng sổ điểm, học bạ điện tử trên toàn quốc để quản lý học sinh trong năm học này nhận được nhiều sự kỳ vọng cho việc giảm gánh nặng sổ sách với những quy định cứng nhắc khiến giáo viên kêu ca thời gian qua. Đồng thời, cách làm này cũng tăng tính công khai minh bạch trong việc đánh giá, xếp loại học sinh, qua đó góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục.
Đồng tình với quy định sử dụng sổ điểm, học bạ điện tử, một giáo viên dạy Tin học tại một trường THPT ở TP Quy Nhơn cho hay, việc sử dụng sổ điểm điện tử, sổ học bạ điện tử tại các trường học nhằm mang lại nhiều tiện ích trong công tác quản lý của nhà trường. Sổ điểm điện tử cũng đảm bảo tính chính xác cao, lưu giữ an toàn, quan trọng là hạn chế tình trạng “làm đẹp” điểm.
Sổ liên lạc điện tử giúp rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường và gia đình, phá bỏ rào cản về thời gian, xây dựng mối quan hệ mật thiết hai chiều trong quản lý và giáo dục. Đặc biệt với giáo viên, việc sử dụng sổ điểm điện tử giúp giảm áp lực trong việc tính điểm trung bình môn, xếp loại học lực, xếp hạng... của học sinh, bảo đảm tính chính xác.
Thực tế, từ năm 2019, Bộ GD&ĐT đã công bố xây dựng cơ sở dữ liệu toàn ngành, trong đó loại bỏ học bạ, sổ điểm giấy; đồng thời khuyến khích các nhà trường, địa phương dùng ứng dụng học bạ điện tử. Một số trường học, địa phương cũng đã bắt tay triển khai, tuy nhiên, việc triển khai gặp nhiều khó khăn do chưa đồng bộ, đồng nhất trong hệ thống.
Hiệu trưởng một trường THPT tư thục ở tỉnh ta cho biết, với sổ điểm điện tử, nhà trường thuận lợi giám sát trong khâu nhập điểm kiểm tra thường xuyên, điểm giữa, cuối kỳ. Qua đó kiểm tra kịp thời, phát hiện những dấu hiệu bất thường trong công tác chấm, nhập điểm của giáo viên, nhất là trong đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực của người học ở chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì việc sử dụng sổ điểm điện tử có ưu điểm nhất định. Tuy nhiên, để tránh phát sinh những rủi ro, hiện với sổ điểm điện tử, nhà trường vẫn phải in ra bản giấy để lưu trữ song song với bản mềm điện tử.
Do đó, việc triển khai đại trà sổ điểm, học bạ điện tử cho toàn ngành giáo dục rất được chờ đợi, song cần thiết sớm ban hành cơ sở, hành lang pháp lý cho việc sử dụng học bạ điện tử, khi đó mới thể hiện được rõ vai trò của học bạ điện tử trong các hoạt động giáo dục để thay cho học bạ giấy. Điều này cũng để tránh tình trạng thực hiện song song học bạ giấy và học bạ điện tử dẫn đến “thêm việc” cho giáo viên, tốn kém về chi phí…
HOÀNG ANH