Nỗi lo “đầu ra”
Các thí sinh trúng tuyển Kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2014 sắp được nhập trường. Nhưng bên cạnh niềm vui lớn lao này là nỗi lo “đầu ra”, tức việc làm sau khi ra trường.
Không nghĩ xa sao được khi thời gian qua, thông tin về sinh viên ra trường không tìm được việc làm tràn ngập trên các báo. Theo thống kê mới nhất từ Bộ LĐ-TB&XH, tính đến hết quý I năm 2014, cả nước có 162.400 người có trình độ từ đại học trở lên thất nghiệp, chiếm 4,14% tổng số người có trình độ này, tăng 4.300 người so với quý III năm 2013.
Nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm đúng ngành nghề đào tạo, vì vậy có người tiếp tục học văn bằng đại học thứ hai, hay học trung cấp để tìm một nghề; thậm chí nhiều người đi làm các công việc giản đơn như bán hàng, tiếp thị, giữ trẻ…
Trong văn bản trả lời đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận thực tế hiện nay có tình trạng nhiều sinh viên tốt nghiệp chưa tìm được việc làm hoặc làm trái với chuyên ngành đào tạo. Trong tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu và khu vực cùng khó khăn của nền kinh tế trong nước, tình hình sinh viên tìm việc làm càng khó khăn hơn.
Ngoài nguyên nhân khách quan, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những yếu tố chủ quan khiến sinh viên ra trường thất nghiệp tăng cao. Đó là do các cơ sở giáo dục đại học tổ chức đào tạo chưa quan hệ chặt chẽ với thị trường lao động, chưa nắm bắt được nhu cầu nhân lực. Đặc biệt, ông Luận cũng cho rằng, chính công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của các bộ ngành, địa phương chưa sát thực cũng là nguyên nhân của tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm đối với sinh viên ra trường.
Nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên chính là trong những năm qua sự phát triển quá nhanh của các trường đại học, cao đẳng công lập và ngoài công lập. Cũng theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2013 cả nước có 338 trường công lập và 83 trường ngoài công lập, thậm chí trên địa bàn một tỉnh có 3-4 trường. Trong khi đó cơ sở vật chất, địa điểm, phòng thí nghiệm, xưởng thực nghiệm thiếu thốn, đội ngũ giảng viên và quản lý giáo dục trình độ chuyên môn, nghiệp vụ không đảm bảo, thiếu cả về số lượng và chất lượng; giáo trình giảng dạy xơ cứng, chủ yếu là lý thuyết, chưa gắn liền với nghiên cứu và thực hành ở các phòng thí nghiệm và các doanh nghiệp. Mặt khác, nhà trường thiếu thông tin về thị trường lao động, chưa nắm bắt được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các ngành nghề trong cả nước, do đó các ngành học chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
Để khắc phục được những hạn chế đó, góp phần nâng cao tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm đúng ngành nghề đào tạo đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của nhà trường và bản thân các sinh viên đang học tại trường.
Trước hết, đối với sinh viên cần nâng cao nhận thức về việc học tập, rèn luyện, từ đó xác định động cơ, thái độ học tập đúng đắn. Thông điệp về giáo dục của UNESCO trong thế kỷ 21 đã nêu rõ: Học để biết, học để làm, học để làm người và học để chung sống. Qua quá trình học tập, sinh viên không chỉ cần tích lũy về kiến thức mà cần rèn luyện kỹ năng thực hành, đạo đức phẩm chất, năng động, sáng tạo, biết lắng nghe, chia sẻ, hợp tác và làm việc có hiệu quả.
Đối với nhà trường, cùng với việc kiên định mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo bằng việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cần đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, xây dựng đội ngũ giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, cải tiến công tác quản lý. Cần gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường với các cơ quan, doanh nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất trong các hoạt động tìm hiểu nhu cầu lao động, bổ sung, điều chỉnh nội dung chương trình đào tạo cho phù hợp, phối hợp trong công tác thực tập và hỗ trợ tìm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường.
Với sự nỗ lực của cả nhà trường và bản thân các sinh viên, chắc chắn sẽ tạo được niềm tin của nhà tuyển dụng và ngày càng có nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm như mong muốn.
NGỌC MINH