Lễ giỗ tưởng niệm 155 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực
(BĐ) - Sáng 25.10 (tức ngày 11.9 âm lịch), tại Đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (dốc Sáo, thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh long trọng tổ chức Lễ giỗ tưởng niệm 155 năm (1868 - 2023) ngày mất Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.
Đại biểu tham dự lễ giỗ. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Dự lễ có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo huyện Phù Cát; đoàn khách mời tỉnh Kiên Giang; cùng đông đảo cán bộ, nhân dân địa phương.
Lễ giỗ tiến hành theo nghi thức truyền thống. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Lễ giỗ được tiến hành theo nghi thức truyền thống, gồm: Khởi chinh cổ, khởi nhạc, dâng 3 tuần tửu trà, đọc văn cúng. Sau phần lễ tế, lãnh đạo tỉnh cùng các đại biểu khấn nguyện và dâng hương tưởng nhớ, tri ân công đức của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực trong sự nghiệp đấu tranh chống giặc Pháp xâm lược để bảo vệ đất nước. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đọc văn tế cầu mong quốc thái dân an, quê hương Bình Định phát triển thịnh vượng.
Đọc văn cúng ôn lại công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đọc văn tế cầu mong quốc thái dân an, quê hương Bình Định phát triển thịnh vượng.
Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (1838 - 1868), còn có tên Nguyễn Văn Lịch, sinh tại làng Bình Nhựt, huyện Cửu An, phủ Tân An (nay là xã Bình Ðức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An); có nguyên quán ở xóm Lưới, làng Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, trấn Bình Định (nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát).
Tháng 2.1859, thực dân Pháp tiến đánh thành Gia Định, bắt đầu xâm chiếm Nam Kỳ, Nguyễn Trung Trực lãnh đạo đội dân dũng gia nhập nghĩa quân do Bình Tây đại nguyên soái Trương Định lãnh đạo. Ông được Trương Định trọng dụng, giao cho làm Quyền sung Quản binh đạo. Nguyễn Trung Trực đã cùng nghĩa quân do ông lãnh đạo lập nên nhiều chiến công hiển hách; trong đó được nhắc đến nhiều nhất là trận đánh chìm chiến hạm L’Espérance (Hy vọng) tại vàm Nhựt Tảo (tỉnh Long An) vào ngày 10.12.1862; trận đánh chiếm đồn Rạch Giá ở Kiên Giang vào đêm 16.6.1868.
Ngày 19.9.1868, thực dân Pháp bắt được Nguyễn Trung Trực. Dụ hàng không được, chúng đưa ông ra chợ Rạch Giá xử chém ngày 27.10.1868 (tức ngày 12.9 năm Mậu Thìn). Trước khi bị hành quyết, Nguyễn Trung Trực đã khẳng khái nói lớn: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người nước Nam đánh Tây”.
Ðã 155 năm trôi qua, khí phách quật cường, tấm gương sáng ngời hào khí nước Nam của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực được nhân dân, đất nước mãi mãi tri ân, sử sách lưu truyền. Nguyễn Trung Trực trở thành niềm tự hào của nhân dân Nam bộ, nhân dân Bình Định, là niềm kiêu hãnh của cả dân tộc Việt Nam, được nhân dân tôn thần và thờ cúng.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng dâng hương tại án thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn dâng hương án thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Đại biểu và nhân dân dâng hương tại Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực là điểm đến lịch sử, văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Năm nay là lần thứ ba, tỉnh Bình Định tổ chức Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Trước đó, Sở VH&TT phối hợp huyện Phù Cát tổ Lễ tiên thường khấn cáo nhân dịp giỗ ông; tổ chức 2 đêm võ đài, 2 đêm hát bội tại Đền thờ Nguyễn Trung Trực để phục vụ nhân dân, du khách tham quan.
NGỌC NHUẬN