Tích hợp cả QR code và chíp điện tử trên thẻ căn cước
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc tích hợp cả QR code và chíp điện tử trên thẻ căn cước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thông tin công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, sáng nay 25.10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Căn cước sáng 25.10.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận dự án Luật Căn cước
Đề nghị đổi tên “căn cước công dân” thành “căn cước”
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đa số ý kiến đại biểu và đề nghị Quốc hội cho giữ tên gọi Luật Căn cước và tên thẻ căn cước như Chính phủ trình, thay vì tên Căn cước công dân như hiện hành.
Lý do là việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, sẽ bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật, gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.
Tên gọi này cũng phù hợp với bản chất và mục tiêu quản lý căn cước của Nhà nước; phù hợp với phương thức quản lý trong thời kỳ cách mạng 4.0, xây dựng Chính phủ số, xã hội số. Việc sử dụng tên gọi thẻ căn cước như dự thảo luật là phù hợp, sẽ bao hàm được đầy đủ thông tin về căn cước của công dân.
Ngoài ra, với việc mở rộng, tích hợp nhiều thông tin vào thẻ căn cước vừa nhằm hướng tới mục tiêu quản lý nhà nước về căn cước toàn diện hơn, đầy đủ hơn, vừa tạo thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng thông tin cá nhân.
“Việc đổi tên thẻ căn cước như dự thảo luật Chính phủ trình không làm phát sinh thủ tục, chi phí đổi thẻ với người dân”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết.
Tích hợp cả QR code và chíp điện tử trên thẻ căn cước
Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, theo ông Lê Tấn Tới, một số ý kiến đại biểu đề nghị rà soát để bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành, chỉ nên thể hiện những thông tin mang tính chất ổn định, không trùng lắp; cân nhắc một số thông tin chưa phù hợp; đề nghị không nên sử dụng QR code, chỉ nên dùng chip điện tử trên thẻ căn cước.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, các thông tin thể hiện trên thẻ căn cước đã được đánh giá cụ thể, bảo đảm không trùng lặp giữa các trường thông tin, thống nhất giữa các loại giấy tờ tùy thân phổ biến hiện nay của công dân, tương thích với các quy định của pháp luật có liên quan.
Việc này đồng thời để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước; tích hợp cả QR code và chíp điện tử trên thẻ căn cước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thông tin công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.
Tuy nhiên, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, chỉnh sửa một số trường thông tin; bổ sung quy định cụ thể về thông tin được mã hoá, lưu trữ trong bộ phận lưu trữ trên thẻ căn cước, bảo đảm phù hợp và khả thi.
CMND hết giá trị sử dụng từ 31.12.2024
Có ý kiến đề nghị quy định tiếp tục sử dụng chứng minh nhân dân song song với thẻ căn cước đến khi hết thời hạn theo quy định, bảo đảm thuận tiện cho người dân trong một số giao dịch dân sự.
Giải trình vấn đề trên, UBTVQH nhấn mạnh, hiện nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 13 bộ, ngành và 63 địa phương; việc kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ nhiều hoạt động trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời đã cấp được gần 80 triệu thẻ căn cước công dân cho công dân đủ điều kiện.
“Vì vậy, quy định thời hạn hết giá trị sử dụng của chứng minh nhân dân từ ngày 31.12.2024 cơ bản không tác động lớn đến hoạt động giao dịch của người dân”, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Ngọc Thành (VOV.VN)