Đại biểu Quốc hội góp ý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6, sáng 26.10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Làm rõ trách nhiệm bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt
Tham gia thảo luận, đại biểu (ĐB) Lý Tiết Hạnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề nước sinh hoạt. ĐB thống nhất với quy định các công trình cấp nước sinh hoạt phải có phương án bảo vệ, đặc biệt là các công trình cấp nước sinh hoạt quan trọng. Vì đây không chỉ liên quan đến hoạt động cấp nước, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người dân mà còn liên quan đến an ninh nguồn nước và an ninh quốc gia.
ĐB Lý Tiết Hạnh kiến nghị phải làm rõ hơn phạm vi, nội dung và trách nhiệm liên quan đến bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
ĐB đồng tình với việc dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 26, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, có một số vấn đề cần phải làm rõ hơn.
Thứ nhất, Điều 26 có tên “Bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt”, nhưng các điều khoản quy định mới tập trung nhiều vào việc xác định trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước để quản lý, bảo vệ phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt. Theo giải thích từ ngữ, đây là vùng phụ cận, vị trí lấy nước được quy định phải bảo vệ để phòng, chống ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Như vậy, đối tượng đặt ra ở đây chỉ là phạm vi giới hạn, địa giới hành chính.
“Theo tôi, để bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt mà chỉ tập trung vào địa giới hành chính thì chưa đủ. Vì còn nhiều yếu tố tác động đến chất lượng nguồn nước sinh hoạt; còn nhiều nội dung liên quan đến công tác, trách nhiệm quản lý Nhà nước trên lĩnh vực đảm bảo chất lượng nguồn nước. Ví dụ, quy hoạch xây dựng công nghiệp, nông nghiệp, sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch lưu vực sông để đảm bảo khai thác hiệu quả, tiết kiệm và an toàn, an ninh nguồn nước”, ĐB Hạnh nói.
Theo ĐB Hạnh, trong thực tiễn, nếu xảy ra ô nhiễm thì không chỉ là ô nhiễm trên một phạm vi hẹp, đôi khi ô nhiễm cả nước, không khí, nước ngầm… nhất là trong giai đoạn biến đổi khí hậu, sự gia tăng dân số, trước sự tác động vật lý (khai thác dòng sông, làm biến đổi dòng chảy; người dân nuôi trồng thủy sản trên các con sông là nguồn cung cấp nước)…
ĐB Hạnh kiến nghị phải đề cập đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, làm rõ hơn phạm vi, nội dung và trách nhiệm liên quan đến bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt cho tương thích với tên của điều luật.
Cũng trong Điều 26, tại khoản 7, ĐB Hạnh bày tỏ băn khoăn, đề nghị làm tường minh nội dung quy định “các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm đề xuất phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt theo quy định của Bộ trưởng Bộ TN&MT”.
Thứ hai, cũng trong Điều 26, ĐB nhất trí cao với quan điểm là đối với các công trình cấp nước có quy mô lớn, nguồn nước khai thác là nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia thì cần bổ sung trách nhiệm theo dõi, bảo vệ của Bộ CA.
Tuy nhiên, để làm rõ trách nhiệm và thuận lợi trong tổ chức thực hiện, ĐB nêu ra 2 vấn đề. Một là xác định rằng giao cho Bộ CA chủ trì, phối hợp hay là giao hẳn nhiệm vụ này cho Bộ CA? Hai là đề nghị xác định rõ là “có trách nhiệm xây dựng, tổ chức thực hiện phương án bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt đặc biệt quan trọng theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.
Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt thì phải thông báo, cảnh báo về vùng bảo hộ vệ sinh, khu vực lấy nước sinh hoạt, kiểm soát, theo dõi, giám sát và thực hiện quan trắc, giám sát tự động, liên tục, định kỳ chất lượng nguồn nước rồi khai thác, kết nối, truyền dữ liệu về hệ thống giám sát khai thác tài nguyên nước…
Tuy nhiên, trong thực tế, hiện nay, chúng ta đang thực hiện các nội dung này theo quy định của Thông tư 17 của Bộ TN&MT. Báo cáo giám sát của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường liên quan đến lĩnh vực này có nêu rõ nhiều khó khăn và hạn chế trong quá trình vận hành cấp nước sinh hoạt. Vì đây là nội dung quan trọng, liên quan mật thiết đến công tác đảm bảo chất lượng nguồn nước, đảm bảo an toàn cấp nước cho người dân, ĐB cho rằng cần rà soát quy định trách nhiệm chặt chẽ hơn nữa trong các điều luật liên quan.
Đồng thời, cần giao cho Chính phủ quy định cụ thể về thông số quan trắc tự động, tần suất, thông số quan trắc định kỳ để giám sát chặt chẽ biến động chất lượng nguồn nước trước khi đưa vào công trình khai thác.
Cần quy định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý lưu vực sông
Theo ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh), việc xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước và cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu về quản lý tài nguyên nước giữa Trung ương và địa phương vừa là cơ sở để quản lý, vừa là cơ sở để tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả mà tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư phải có trách nhiệm.
ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng việc xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước có ý nghĩa quan trọng. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Dự thảo luật quy định cá nhân phải cung cấp thông tin về khai thác tại khoản 7 Điều 7 - Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia và tại khoản 5 Điều 10 - Tổ chức thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước. ĐB Thủy đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ hơn vai trò cá nhân trong cung cấp thông tin, vì nhiệm vụ này đã được quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước tại khoản 4, khoản 6 Điều 7 là Bộ TN&MT và UBND cấp tỉnh.
“Điều 52 quy định các trường hợp phải kê khai, đăng ký cấp phép các hoạt động đào ao hồ, kênh, rạch nhằm lưu trữ nước, tạo cảnh quan... theo quy mô, mức độ tác động. Đề nghị ban soạn thảo làm rõ đối tượng thực hiện hoạt động này sau ngày Luật sửa đổi có hiệu lực. Các trường hợp đăng ký mới phải đăng ký, hay cả những trường hợp đã thực hiện cũng thực hiện đăng ký lại? Nếu đăng ký lại thì quy định lộ trình thực hiện như thế nào?”, ĐB Thủy đặt vấn đề.
Về quy định chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý lưu vực sông được quy định tại khoản 8, 9, 10, 11 của Điều 2 - Giải thích từ ngữ và Điều 15, 16, 17 về căn cứ nguyên tắc, nhiệm vụ, nội dung quy hoạch lưu vực sông (trên cơ sở kế thừa Luật Tài nguyên nước năm 2012 và Luật Quy hoạch năm 2017), ĐB đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần quy định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý lưu vực sông, đặc biệt là các chức năng về điều tra, đánh giá trữ lượng nước, lập quy hoạch; điều hòa khai thác, sử dụng nước; giám sát khai thác, sử dụng nước, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái… để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước lưu vực sông. Phân định rõ hơn giữa quản lý nguồn nước và quản lý hoạt động khai thác, sử dụng trong các lưu vực sông.
ĐB Thủy cũng đề nghị ban soạn thảo cần rà soát lại, thống nhất các điều khoản liên quan tại các Luật như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai sửa đổi… Cụ thể, việc gắn quy hoạch nguồn nước cần đồng bộ trong các luật đang sửa đổi, trong quy hoạch quốc gia, tỉnh như thế nào? Trường hợp quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt thì thực hiện như ra sao?
Nguồn: BTV
Bên cạnh đó, thời kỳ quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước có thể cân nhắc rút ngắn hơn, vì nhu cầu sử dụng nước của con người trong xây dựng, sinh hoạt ngày càng cao, cùng tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu. Vấn đề này được quy định tại khoản 3 Điều 11 của dự thảo Luật: Thời kỳ quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước là 10 năm, tầm nhìn 50 năm.
NGUYỄN MUỘI