Luật thi đua, khen thưởng năm 2022: Sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới
Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2024) đảm bảo thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Ðảng về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Ðồng bộ hóa các quy định pháp luật; khắc phục những tồn tại của Luật hiện hành.
Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 (LTĐKT) gồm 8 chương, 96 điều. Theo Bộ Nội vụ, LTĐKT có 8 nhóm điểm mới nhằm sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các hệ thống danh hiệu thi đua, hệ thống hình thức khen thưởng; quy định về thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước về TĐKT; cải cách thủ tục hành chính trong TĐKT.
LĐLĐ tỉnh biểu dương cán bộ công đoàn tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam (28.7.1929 - 28.7.2023). Ảnh: H.THU
Theo ông Lê Văn Vũ, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu - Tổng hợp (Ban TĐKT Trung ương), LTĐKT sửa đổi, bổ sung với nhiều nội dung mới để đảm bảo bao quát hết các đối tượng khen thưởng, phù hợp với vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền công tác khen thưởng trong hệ thống chính trị; cân đối khen thưởng khu vực cơ quan dân cử và khu vực ngoài nhà nước; phù hợp với các quy định đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, đánh giá phân loại đảng viên.
LTĐKT thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn theo hướng quy định tiêu chuẩn chung đối với các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng. Trên cơ sở quy định chung của LTĐKT, căn cứ đặc điểm, tình hình của từng đối tượng, vùng miền, lĩnh vực, ngành nghề, các bộ, ban, ngành, địa phương sẽ quy định cụ thể một số nội dung được giao trong LTĐKT cho phù hợp.
Nhằm khắc phục tình trạng khen thưởng “tích lũy thành tích, cộng dồn thành tích”, LTĐKT bổ sung nguyên tắc “thành tích đến đâu khen thưởng đến đó (điểm c khoản 2 Điều 5), được thể hiện trong các điều, khoản của từng hình thức khen thưởng quy định trong LTĐKT về tiêu chuẩn, thành tích và điều kiện, hoàn cảnh cụ thể lập được thành tích. Đặc biệt, LTĐKT bổ sung quy định “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” là tiêu chuẩn có thể thay thế nếu không có sáng kiến, đề tài, đề án khi xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở (khoản 2 Điều 23).
Điểm mới LTĐKT còn thể hiện ở hướng về phong trào thi đua cơ sở, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua. Theo đó, bỏ quy định đăng ký thi đua là căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua (Điều 7); bổ sung trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị (khoản 1 Điều 13); bổ sung danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu (Điều 29)...
LTĐKT chú trọng khen thưởng tập thể ở cơ sở, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cán bộ, chiến sĩ các LLVT, dân quân tự vệ... Quan tâm khen thưởng ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân.
Nhằm ghi nhận và biểu dương người nước ngoài có nhiều đóng góp cho đất nước Việt Nam, LTĐKT bổ sung đối tượng khen thưởng là cá nhân người nước ngoài đối với Huân chương Hồ Chí Minh (Điều 35); cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tập thể người nước ngoài đối với Huân chương Độc lập các hạng (Điều 36, 37, 38), Huân chương Lao động các hạng (Điều 42, 43, 44); quy định cụ thể đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng Huy chương Hữu nghị (Điều 58).
Theo Trưởng Ban TĐKT (Sở Nội vụ) Phạm Thị Hồng Vân, điểm mới cần quan tâm của LTĐKT còn là cải cách thủ tục hành chính trong TĐKT. Theo đó, bổ sung quy định về hồ sơ, thủ tục khen thưởng theo thủ tục đơn giản (khoản 1 Điều 85); bổ sung quy định “ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác TĐKT và trong hệ thống TĐKT” là một nội dung quản lý nhà nước về TĐKT (điểm e khoản 2 Điều 89).
Thực hiện theo kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Nội vụ đang chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Hội nghị quán triệt, phổ biến LTĐKT, dự kiến diễn ra trong tháng 11.2023, nhằm giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương nắm rõ các quy định, tăng cường sự phối hợp trong công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm và tổ chức thực hiện hiệu quả LTĐKT.
HOÀI THU