“Giữ chân” đảng viên là quân nhân xuất ngũ - Kỳ 2: “Thất thoát” đảng viên
Sau khi xuất ngũ về địa phương, một bộ phận đảng viên vì nhiều lý do không tham gia sinh hoạt Đảng. Nhiều người làm công tác xây dựng Đảng ở cơ sở chia sẻ rằng, thật sự “rất đau” khi chẳng đặng đừng phải xóa tên đồng chí mình khỏi danh sách đảng viên.
Những con số “biết nói”
Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, Đảng bộ huyện Vĩnh Thạnh có 16 đảng viên là quân nhân xuất ngũ. Vì mưu sinh, đi làm ăn xa, có 3 người không tham gia sinh hoạt, bị xóa tên.
Tình hình tại TX Hoài Nhơn nghiêm trọng hơn. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn Đảng bộ có 77 đảng viên bị xóa tên; trong đó, có đến 34 trường hợp là quân nhân xuất ngũ về địa phương bỏ sinh hoạt Đảng, xin ra khỏi Đảng, vi phạm kỷ luật.
Phát triển Đảng trong quân đội phải thực hiện tốt phương châm “số lượng đi liền với chất lượng”.
- Trong ảnh: Lễ kết nạp đảng viên là chiến sĩ đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Đại đội Hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh. Ảnh: H.P
Trên địa bàn toàn tỉnh, thống kê của Bộ CHQS tỉnh cho thấy, giai đoạn 2020 - 2022 có 335 đảng viên là hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ trở về địa phương. Trong số này, có 91 người bỏ sinh hoạt Đảng, 6 người bị kỷ luật Đảng. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, có 22 đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng.
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, thực trạng trên đang là nỗi lo của nhiều tổ chức đảng. Có nhiều nguyên nhân liên quan đến vấn đề nêu trên. Song quan trọng nhất vẫn liên quan tới kinh tế, việc làm và đời sống của các cá nhân. Việc bố trí, sử dụng đảng viên sau khi xuất ngũ trở về địa phương còn nhiều khó khăn. Thống kê của Bộ CHQS tỉnh cho thấy, giai đoạn 2016 - 2023, chỉ 193 trường hợp đảng viên là quân nhân xuất ngũ được bố trí vào các cơ quan nhà nước, có việc làm tại các DN, cơ sở sản xuất tại địa phương.
Ngoài ra, một số tổ chức Đảng cũng thiếu sâu sát, không thực hiện việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên, làm cho công tác quản lý đảng viên càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, nhận thức và ý thức trách nhiệm của một số đảng viên trẻ hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương còn hạn chế.
“Một số trường hợp do hoàn cảnh khó khăn phải đi làm ăn ở các DN ngoài tỉnh và làm các nghề tự do khác nên gặp không ít khó khăn trong việc duy trì nền nếp, chế độ sinh hoạt ở các chi bộ và thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người đảng viên theo quy định. Ở Hoài Nhơn, phổ biến nhất là lao động trên biển và vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp”, Trưởng Ban Tổ chức Thị ủy Hoài Nhơn Võ Ngọc Bình cho hay.
Còn Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vĩnh Thạnh Nguyễn Kế Đấu trăn trở: “Mỗi lần Ban Thường vụ đưa ra xem xét việc đảng viên là quân nhân xuất ngũ xin ra khỏi Đảng hay xóa tên khỏi danh sách đảng viên, với chúng tôi không chỉ trăn trở, tiếc nuối vì để “mất đi” những đồng chí trong hàng ngũ của mình, mà còn hết sức lo lắng về “chất lượng” của các thế hệ đảng viên kế cận, kế tiếp. Việc này cũng ảnh hưởng đến tâm lý của nhiều thanh niên tại địa phương về động cơ phấn đấu vào Đảng”.
Nặng gánh mưu sinh
Mặc dù các tổ chức đảng đã đề ra một số chủ trương, giải pháp nhằm khắc phục thực trạng trên, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, trong đó nguyên nhân chủ yếu là gánh nặng “cơm áo” khiến tình trạng “thất thoát” đảng viên vẫn tiếp diễn.
Thanh niên Đ.Q.P. (SN 1995, ở thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh) nhập ngũ năm 2017. Trong quân ngũ, P. được kết nạp Đảng vào tháng 11.2018. Tháng 1.2019, P. ra quân, trở về địa phương. Mặc dù cấp ủy ở địa phương nỗ lực vận động tham gia sinh hoạt Đảng, song P. vẫn bị xóa tên khỏi Đảng vào tháng 9.2020 vì đi làm ăn xa, bỏ sinh hoạt Đảng.
Tương tự là trường hợp của quân nhân xuất ngũ N.C.T. (SN 1992, ở phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn). Làm công nhân ở TP Hồ Chí Minh, không thể tham gia sinh hoạt Đảng tại địa phương, anh T. làm đơn xin ra khỏi Đảng. Chia sẻ về lý do này, anh T. cho biết: Được kết nạp vào Đảng là vinh dự của tôi. Nhưng vì hoàn cảnh, tôi phải đi làm ăn xa để có thu nhập trang trải cuộc sống. Không thể tháng nào cũng về địa phương sinh hoạt, trong khi nơi làm việc không có tổ chức Đảng; dù rất muốn gắn bó với Đảng nhưng tôi “lực bất tòng tâm”.
Theo ông Đinh Văn Hà, Bí thư Chi bộ kiêm Khu vực trưởng Khu vực 5 (phường Nhơn Phú), ngoài trường hợp của anh T., trong năm 2023, Chi bộ còn có một trường hợp đảng viên là quân nhân xuất ngũ Đ.V.N. (SN 1995, hiện làm tài xế xe đường dài) vi phạm điều lệ Đảng, không tham gia sinh hoạt, không đóng đảng phí dẫn đến bị xóa tên.
“Hai trường hợp này lúc mới xuất ngũ về tham gia sinh hoạt đều đặn. Sau khi lập gia đình, có con, vì cuộc sống mưu sinh nên đi làm, không tham gia sinh hoạt chi bộ. Bản thân tôi và các đảng viên khác trong Chi bộ đã nhiều lần đến nhà làm công tác tư tưởng, tuyên truyền vận động nhưng không thành. Đây thực sự là điều đáng buồn”, ông Hà tâm tư.
Ông Nguyễn Văn Lân - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Nhơn Phú, cho rằng, các chi ủy chi bộ trên địa bàn luôn quan tâm công tác phát triển đảng trong tuyển quân, trong lực lượng dự bị động viên cũng như sâu sát, nắm bắt tâm tư của đảng viên nói chung và bộ đội xuất ngũ nói riêng. Minh chứng là trong năm nay, Đảng bộ phường đã kết nạp được thêm 3 đảng viên trong lực lượng dự bị động viên. Vì phải lo kinh tế gia đình và nhiều nguyên nhân khách quan khác nên xảy ra tình trạng đảng viên là quân nhân xuất ngũ xin ra khỏi Đảng hoặc bỏ sinh hoạt dẫn tới bị xóa tên là điều rất đáng tiếc.
“Thực trạng này cũng đặt ra vấn đề cần có giải pháp căn cơ để tháo gỡ, bởi không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt các chi, đảng bộ địa phương mà còn ảnh hưởng gián tiếp đến công tác tạo nguồn phát triển Đảng và lựa chọn đảng viên nhập ngũ”, ông Lân nói.
Việc làm cho quân nhân xuất ngũ: Còn “khoảng trống”!
Theo Sở LĐTB&XH, thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự có nhu cầu tìm việc làm trong nước sẽ được miễn phí tư vấn, định hướng nghề nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng làm việc; giới thiệu việc làm theo quy định. Đối với thanh niên có nguyện vọng đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, được hỗ trợ cho vay tín chấp tối đa 100% chi phí hợp pháp.
Tuyên truyền, tư vấn việc làm cho quân nhân xuất ngũ. Ảnh: N.M
Từ năm 2020 đến ngày 15.9.2023, 5 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề lái xe hạng B2 và C cho 3.641 thanh niên là bộ đội xuất ngũ; tỉnh cũng đã cấp kinh phí hỗ trợ cho công tác này với số tiền hơn 39,3 tỷ đồng. Đồng thời, Sở LĐ-TB&XH cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, tư vấn về đào tạo nghề trong và ngoài nước cho 5.276 quân nhân xuất ngũ trở về địa phương. Có 131 quân nhân đăng ký tham gia xuất khẩu lao động, 18 người đã xuất cảnh và nhận gần 125 triệu đồng tiền hỗ trợ từ chính sách của tỉnh.
Dù vậy, theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đỗ Thị Diệu Hạnh, trên thực tế, việc tổ chức quán triệt và triển khai chính sách đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại một số đơn vị vũ trang chưa được quan tâm đúng mức. Nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tư vấn nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự của đội ngũ cán bộ quản lý các cấp còn nhiều hạn chế. Công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về nghề nghiệp - việc làm và hoạt động tư vấn nghề cho cán bộ, chiến sĩ ở một số đơn vị chưa được thường xuyên.
“Số lượng thanh niên tham gia học ở các ngành, nghề khác chưa đa dạng, chủ yếu theo học nghề lái xe, tỷ lệ có việc làm sau khi tốt nghiệp chưa cao. Đa số thanh niên sau khi học nghề đều tự tạo việc làm trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, thời gian sử dụng thẻ học nghề hạn chế (chỉ có 12 tháng kể từ ngày cấp thẻ) nên khó khăn trong việc tiếp cận thông tin về thị trường lao động và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực của quân nhân xuất ngũ”, bà Hạnh chia sẻ.
HỒNG PHÚC
● Kỳ cuối: Để những “hạt giống đỏ” nảy mầm xanh