Nhiều tín hiệu vui từ thư viện trường học
Mô hình thư viện Room to Read (RtR) đã không còn được nhận tài trợ từ năm 2018, nhưng để giúp học sinh hình thành thói quen đọc sách, nhiều trường học vẫn tiếp tục duy trì và phát triển mô hình này cùng với tích cực chuyển đổi số.
Chị Huỳnh Thị Minh Trang, thủ thư thư viện Trường Tiểu học số 1 Cát Trinh, huyện Phù Cát, chia sẻ: Cứ đến giờ giải lao sẽ có nhiều nhóm học sinh đến phòng đọc RtR tìm đọc những cuốn sách yêu thích; có em mang cờ để chơi với bạn bè; một số em khác liên hệ với thủ thư để được quét mã, mượn sách.
Đang cặm cụi đọc sách, Trần Thị Bảo Ngân, học sinh lớp 5A2, Trường Tiểu học số 1 Cát Trinh, chia sẻ: Thư viện có rất nhiều sách hay. Em thích đọc những quyển sách về động vật, cây cối. Nhờ đọc sách, em biết thêm nhiều điều thú vị.
Học sinh trường Tiểu học số 1 Cát Trinh đọc sách, chơi cờ tại thư viện. Ảnh: H.T.Đ
Giống như Trường Tiểu học số 1 Cát Trinh, nhiều địa phương khác cũng duy trì mô hình RtR dù dự án hỗ trợ thực hiện mô hình này kết thúc đã nhiều năm. Anh Nguyễn Bằng, thủ thư thư viện Trường Tiểu học & THCS Canh Hiển, huyện Vân Canh, cho biết: Với trẻ em ở miền núi, tạo ra không gian thư viện đa dạng, bắt mắt, phù hợp lứa tuổi có ý nghĩa lớn. Nó sẽ thu hút, khơi gợi cảm hứng đọc sách cho các em. Vì vậy, tôi rất quan tâm đến việc trang trí sao cho không gian thư viện thật đẹp, các em có thể đến vì đẹp cái đã; từ từ rồi các em sẽ đọc khi tìm được những đầu sách phù hợp. Khi việc đọc sách mang lại hiệu quả thực tế các em sẽ chủ động, tích cực đọc sách.
Khi kết hợp với một số mô hình thư viện khác, RtR thêm sinh động và tăng được sức thu hút. Ông Cáp Văn Nhân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Phước Thắng, huyện Tuy Phước, chia sẻ: Chúng tôi thường xuyên theo dõi hoạt động của thư viện, ưu tiên bổ sung sách. Không chỉ RtR, chúng tôi còn thực hiện mô hình thư viện xanh, thư viện góc lớp, kết nối chúng với nhau để khơi dậy cảm hứng, niềm say mê đọc sách cho các em. Gần đây, trường chúng tôi bắt đầu tham gia chuyển đổi số, công tác quản lý thư viện nhờ thế cũng được hưởng lợi, môi trường thư viện trở nên hiện đại hơn.
Nhờ tích cực chuyển đổi số, công tác quản lý thư viện đạt nhiều tín hiệu tích cực; trong đó, được nhắc đến nhiều nhất là việc phát huy tối đa hiệu năng của phần mềm Vietbiblio. Chị Lương Thị Cẩm Nhung, thủ thư Trường Tiểu học số 1 Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, cho biết: Sử dụng Vietbiblio chỉ mất công ở thời gian đầu khi mình phải số hóa các dữ liệu biên mục nhưng càng về sau mọi thứ càng nhẹ nhàng; hoạt động mượn - trả sách diễn ra rất nhanh chóng; tiện lợi và chính xác hơn so với thao tác thủ công rất nhiều lần.
Với Vietbiblio, việc tra cứu đầu sách, tìm tài liệu của người dùng trở nên dễ dàng qua thao tác quét mã QR truy cập vào hệ thống. Những tính năng khác như “học liệu điện tử” tạo điều kiện để các điểm trường cùng tiếp cận tài liệu giảng dạy của nhau, cùng học hỏi những phương thức giảng dạy mới, từ đó làm giàu nguồn tài liệu, đổi mới cách giảng dạy. Thêm vào đó, tính năng kết nối “liên thư viện” còn giúp các điểm trường cùng kết nối, tiếp cận nguồn sách chung.
Chị Nguyễn Thị Thường, giáo viên trường Tiểu học số 1 Phước Thắng, chia sẻ: Tôi có thể tra cứu và tìm đầu sách thông qua điện thoại thông minh, đặt lịch mượn sách và đến thư viện nhận sách sau; hoạt động mượn - trả sách cũng diễn ra nhanh chóng.
Ông Nguyễn Ngọc Sinh, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh, chia sẻ: Càng có thêm nhiều trường học tham gia chuyển đổi số, mạng lưới thư viện liên trường càng dày, dữ liệu liên thư viện càng đa dạng, cơ hội tìm được tài liệu, sách báo của người dùng càng cao. Trước đây, người dùng chỉ có thể đến khi thư viện mở của. Nhờ chuyển đổi số, người dùng có thể tìm sách từ bất cứ đâu, bất cứ lúc nào và dễ dàng đặt lịch nhận sách, tài liệu đã xác nhận qua phần mềm. Chính vì vậy, không chỉ việc quản lý, thu hút bạn đọc thuận lợi hơn mà cơ hội để người đọc tiếp cận với sách cũng cao hơn.
ĐIỂM HỒ