Nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa: Cho gỗ sắt cất lời…
Hơn 10 năm đắm đuối với sự kết hợp sắt + gỗ, nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa mở ra những không gian suy tưởng từ các tác phẩm của mình và khẳng định một lối đi không lẫn với ai. Thời gian gần đây, anh liên tiếp nhận nhiều niềm vui với các giải thưởng khu vực và toàn quốc, đồng thời vinh dự được mời tham gia Workshop Hanoi Art Connecting 2023 - một sự kiện lớn quy tụ nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc trong nước và quốc tế.
Nhân dịp này, chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện, lắng nghe những sẻ chia của anh xoay quanh hành trình điêu khắc với chất liệu sắt + gỗ.
Nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa cùng tác phẩm Chuyển nở tại Workshop Hanoi Art Connecting năm 2022. Ảnh: NVCC
Khẳng định cá tính sáng tạo
Tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực V - Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 28 năm 2023 diễn ra cuối tháng 8.2023 tại tỉnh Ðắk Lắk, nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa đạt giải Khuyến khích với tác phẩm Tổ hợp tương sinh (chất liệu sắt + gỗ). Ngay tháng sau - tháng 9.2023, tại Cuộc thi và Triển lãm 05 năm điêu khắc toàn quốc năm 2023, anh đạt giải Khuyến khích với tác phẩm Những số 1 (sắt + gỗ). Đó là một trong số những giải thưởng anh có được trong nhiều năm gắn bó với chất liệu sắt + gỗ. Ngay khi lựa chọn đi đường dài với chất liệu này, anh đã sớm tạo nhiều dấu ấn trong giới mỹ thuật, khẳng định rõ nét một cá tính sáng tạo.
· Từ năm 2013, tác phẩm Ký ức trong niềm bao bọc của anh đã xuất sắc đạt giải B (không có giải A) tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên và đạt 1 trong 4 giải đồng hạng Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam - 2013. Tạm tính từ cột mốc giải thưởng đầu tiên khi “phải duyên” với chất liệu sắt + gỗ, đến hiện tại dường như các tác phẩm của anh…
Tác phẩm Ký ức trong niềm bao bọc. Ảnh: NVCC
- Vâng tôi hiểu ý của bạn, có thể nói luôn là các tác phẩm của tôi đã có nhiều chuyển biến. Nếu bạn để ý, sẽ thấy từ Ký ức trong niềm bao bọc đến những tác phẩm gần đây như Chuỗi mộng - thực hiện năm 2020, hay mới đây là Những số 1, tôi lao động sáng tạo trung thành với kỹ thuật, chất liệu gỗ + sắt nhưng cách thể hiện luôn có sự đổi khác.
Tác phẩm Chuỗi mộng. Ảnh: NVCC
Tôi luôn chủ ý tạo ra sự khác biệt trên bề mặt hình khối thông qua sự va đập tương tác giữa sắt và gỗ. Sự thay đổi cảm xúc thị giác rõ nhất ở việc xử lý không gian xếp đặt, từ tác phẩm đơn khối như Ký ức trong niềm bao bọc đã cơi nới mở rộng không gian, phát triển thành những tổ hợp mô-đun, chuỗi mô-tip sắp đặt thành tác phẩm, tăng tính tương tác gây ấn tượng mạnh hơn về biểu đạt ngôn ngữ chất liệu không gian. Nhưng dù thể hiện như thế nào thì tiếng nói các tác phẩm vẫn là sự tương hợp, khởi sinh, khao khát tình yêu, sự sống. Giữa cái đanh lạnh, tung tẩy của sắt với cái ấm nồng dung dị của gỗ, vừa va đập vừa cộng sinh - tương sinh như là cốt lõi của sự sống...
· Những số 1, cái tên khá lạ và gợi…
- Những số 1 lấy cảm hứng từ nhụy hoa lan. Trông “những số 1” như linga, biểu tượng cho sự sống. Mỗi nhụy hoa còn gợi liên tưởng đến những ngón tay - thể hiện năng lực sống mỗi cá thể, mỗi giai đoạn, mỗi thời điểm. Có ngón tươi trẻ, có ngón vươn cao mạnh mẽ và có ngón nua già đau đớn. Mỗi cái nhụy trông như hình số 1 trồi lên từ mặt đất. Số 1 là biểu tượng của khởi sinh, của khát vọng trỗi dậy. 7 cái nhụy như “7 số một” được sắp đặt thành hai nhóm, mỗi nhóm 3 nhụy và một nhụy riêng lẻ bên phải, tạo thành một kết cấu vững vàng. Số 7 là con số biểu tượng của tính dương, của vũ trụ. Tính âm của gỗ, tính dương của sắt được kết hợp ở phần trên là chủ ý để tạo cảm xúc ấn tượng thị giác, như thân cây xương rồng, vạn tuế vững chãi. Tác phẩm thể hiện năng lực sống - sự trỗi dậy. Thể hiện bản năng khát vọng của con người, bản tính thích “là số 1” trong mỗi cá thể, nhóm cá thể.
Tác phẩm Những số 1. Ảnh: NVCC
Kết nối & gặp gỡ
Từ ngày 18 - 24.10.2023, Workshop Hanoi Art Connecting lần thứ 6 được tổ chức tại Hà Nội với sự góp mặt của hơn 150 nghệ sĩ trong nước và quốc tế. Đây là lần thứ 3, nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa được mời tham dự ở sự kiện lớn này.
· Ở Workshop Hanoi Art Connecting, năm 2019 là Sự sống, năm 2022 là Chuyển nở, đều bằng chất liệu sắt + gỗ. Còn lần này là gì thưa anh?
- Tôi luôn nung nấu, chất chứa nhiều ý tưởng sáng tạo và vẫn sẽ sử dụng ưu thế kinh nghiệm xử lý kết hợp chất liệu sắt + gỗ để thực hiện tác phẩm. Tôi muốn khẳng định sâu rộng hơn trong giới mỹ thuật trong nước cũng như ngoài nước dấu ấn ngôn ngữ điêu khắc mà tôi theo đuổi nhiều năm qua.
· Sau mỗi Workshop Hanoi Art Connecting, dường như anh lại có thêm nhiều năng lượng sáng tác?
- Đến nay Hanoi Art Connecting được xem là workshop được tổ chức với quy mô lớn và có chất lượng cao nhất ở Việt Nam. Tại đây, mình được gặp gỡ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sáng tác của rất nhiều nghệ sĩ thành danh trong nước và quốc tế. Ngoài ra, còn được nhìn thấy cách thức thể hiện nghệ thuật của các họa sĩ trẻ. Sự phong phú đa dạng cá tính, phong cách sáng tạo sẽ tác động rất mạnh đến cảm hứng sáng tạo của mình. Tham dự sự kiện là được sống trọn vẹn với bầu không khí sáng tạo nghệ thuật. Tác phẩm của mình cũng được bày trang trọng cùng hàng trăm nghệ sĩ khác.
Cho những dài lâu…
Hơn 10 năm xuyên suốt với sự kết hợp sắt + gỗ, ở Việt Nam hiếm có người theo đuổi chất liệu này và tạo được sự khẳng định như nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa. Anh say sưa trong thế giới ấy để thủ thỉ cùng sắt, gỗ những câu chuyện của riêng mình, để ngôn ngữ chất liệu cất lời qua những miệt mài sáng tạo.
· Liệu rằng, có khi nào anh cảm thấy đơn độc trong thế giới điêu khắc…
- Theo đuổi nghệ thuật nói chung, điêu khắc nói riêng, tìm cho mình một ngôn ngữ chất liệu riêng để khẳng định những sáng tạo mới trong dòng chảy nghệ thuật, người nghệ sĩ bao giờ cũng rất cô đơn. Tôi phải tự mày mò, lặng lẽ làm việc và thể nghiệm tất cả những cảm xúc, suy nghĩ của mình gán lên bề mặt chất liệu. Sự tương tác giữa sắt và gỗ luôn tạo ra những xúc cảm thị giác đặc biệt. Quá trình làm việc của tôi là quá trình bơi trong cô đơn cảm xúc ấy. Nhưng tôi luôn cảm thấy rất thú vị, có lẽ vì tình yêu nghệ thuật, bản năng - thị giác và những nhu cầu khám phá tự thân mà tôi thấy mình không cô đơn. Rất nhiều lần trong các cuộc triển lãm, từ xa xa người ta đã nhận ra đó là tác phẩm của tôi. Với người nghệ sĩ đó là niềm vinh dự lớn vì mình đã tạo được dấu ấn cá nhân.
· Gắn bó nhiều năm với chất liệu sắt + gỗ, liệu có lúc nào đó anh lo lắng về sự lặp lại?
- Cái sợ nhất trong sáng tạo là sự lặp lại chính mình. Nhưng nếu vì điều đó mà lại loay hoay đi tìm cái mới, rồi bị cuốn vào những giá trị sáng tạo của người khác thì chẳng khác nào đã đánh mất mình. Tôi nghĩ sự tự tin vào những giá trị sáng tạo của mình là rất cần thiết. Tôi luôn trăn trở, nếu cứ làm việc mãi với chất liệu sắt + gỗ, một lúc nào đó không khéo sẽ lặp lại. Nhưng tôi cũng không muốn đánh mất nét riêng có của mình. Tôi vẫn kiên định làm việc dài lâu với chất liệu sắt + gỗ, ví dầu có lặp lại nhàm chán thì đó là do khả năng giới hạn. Tôi coi đây là thử thách phải vượt qua trên hành trình sáng tạo.
· Anh từng ấp ủ về một triển lãm điêu khắc cá nhân…
- Vâng. Mong ước một triển lãm cá nhân luôn sôi sục trong mình. Nên tôi vẫn làm việc. Nhưng tôi hình dung còn rất nhiều khó khăn để có được triển lãm. Nó không chỉ vấn đề về số lượng tác phẩm mà còn bao câu chuyện khác. Về tài chính, về lựa chọn địa điểm không gian, công chúng... Tôi cần một khoảng thời gian nữa để tìm cơ hội thuận lợi.
· Cảm ơn anh đã chia sẻ nhiều điều thú vị, mong anh sẽ thực hiện hết những dự định đang ấp ủ.
VÂN PHI (Thực hiện)