Độc đáo Văn thánh miếu Phù Cát
Tại khu phố An Kiều, thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát vẫn còn một Văn thánh miếu Phù Cát, không ai rõ nó được xây dựng năm nào nhưng năm 1960 được người dân địa phương tôn tạo, trùng tu theo nguyên gốc, đường nét kiến trúc cổ kính đến nay cho thấy đây là một công trình đẹp.
Ngày xưa văn miếu, văn chỉ là nơi thờ bậc thầy của muôn đời - Đức Khổng Tử, là nơi sinh hoạt của các bậc túc nho, khuyến khích cho việc học tập, đỗ đạt thành tài, tôn vinh những bậc khoa cử địa phương, thực hiện các nghi thức, nghi lễ quan trọng hằng năm do chính quyền và cộng đồng tổ chức. Theo quy định của triều Nguyễn ngày xưa, cơ sở thờ tự đạo Nho được phân cấp tỉnh lập văn miếu, cấp huyện lập văn chỉ, cấp thôn lập văn từ.
TS Võ Minh Hải (bìa phải) ghi lại nội dung các câu đối Hán Nôm tại Văn thánh miếu Phù Cát. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Sách Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn) ghi chép về hệ thống văn miếu, văn chỉ ở tỉnh Bình Định như sau: “Văn miếu ở huyện Phù Cát về phía Bắc tỉnh thành. Đền Khải Thánh ở phía sau văn miếu. Dựng năm Gia Long thứ nhất (1802). Văn chỉ hàng huyện có một ngôi ở thôn Hội An, huyện Bồng Sơn; một ngôi ở thôn Vạn Thiện, huyện Phù Mỹ và một ngôi ở thôn Trung Tính, huyện Tuy Phước, đều dựng giữa đời Tự Đức.
Trải qua thăng trầm lịch sử, hầu hết các văn miếu, văn chỉ, văn từ ở Bình Định không còn nữa. Để tri ân tiền nhân, khơi dậy truyền thống hiếu học đối với thế hệ trẻ, tỉnh ta đã cho phục dựng lại 2 di tích Văn chỉ Hoài Ân và Tuy Phước. Vì vậy, việc vẫn còn Văn thánh miếu ở Phù Cát với kiến trúc cổ kính rất đẹp được gia đình ông Nguyễn Mơi ở số 532 đường Quang Trung, thị trấn Ngô Mây trông coi, lo chuyện hương khói hằng ngày là rất đáng quý. “Hằng năm, bà con địa phương góp tiền, góp sức tổ chức lễ cúng thanh minh tại Văn thánh miếu để cầu quốc thái dân an, tri ân tiền nhân, thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm”, ông Mơi chia sẻ.
Trước cửa chính Văn thánh miếu Phù Cát có tấm hoành phi viết 4 chữ: Phú Mỹ cung tường (tức trường học Phú Mỹ - nơi Đức Khổng Tử dạy học ngày xưa), cùng câu đối: “Địa linh nãi sinh nhân sinh hồ kỳ ban chấn hồ kỳ bút/Thiên tuấn chi vật thánh sở chi di cao tán chi di hiền” (tạm dịch: Đất địa linh sinh người tài giỏi, sinh tại đất ấy, chấn hưng tại bút ấy (ý nói tài văn chương)/Trời bao dung vạn vật, bậc thánh cũng ở chỗ ấy mà tán thán cho kẻ hiền cũng ở chỗ ấy).
Từ cửa chính bước vào bên trong gian tiền đường ở giữa có bàn thờ ảnh Đức Khổng Tử với câu đối: “Miếu đường ngọc xứ hàm khâm ngưỡng/Thánh đạo vô thời bất hiển minh” (tạm dịch: Chốn ngọc miếu đường luôn nhận được sự kính ngưỡng/Đạo của ngài lúc nào cũng sáng ngời rạng rỡ); hai bên thờ Thất thập nhị hiền là 72 nhà nho tiêu biểu được tôn lên bậc hiền triết, bàn thờ Tứ phối thập triết là 4 học trò giỏi nhất của Khổng Tử, gồm: Phục thánh Nhan Tử (Nhan Hồi), Tông thánh Tăng Tử (Tăng Sâm), Thuật thánh Tử Tư (Khổng Cấp), Á thánh Mạnh Tử (Mạnh Kha). Tại tiền đường còn có nhiều liễn đối, hoành phi được treo trang nghiêm; trong đó có tấm hoành phi khắc 3 chữ Trung thiên nhật (tức là ngôi sao văn chương) với dòng lạc khoản ghi lại tên của Hội trưởng Hội Khổng học Cát Khánh, Cát Minh là Nguyễn Thúc Hoàng và Phan Viết Hương dâng cúng năm Tân Sửu (1961). Phía sau gian hậu tẩm thờ Khải Thánh phu nhân (mẹ của Khổng Tử), cùng các bậc thân sĩ trí thức, tiền hậu khoa hoạn (những người đỗ đạt làm quan).
Đã nhiều lần khảo sát thực tế ở Văn thánh miếu Phù Cát, TS Võ Minh Hải, Phó trưởng khoa Khoa học - Xã hội và nhân văn, kiêm Giám đốc Trung tâm ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản (Trường ĐH Quy Nhơn), cho biết: “Văn thánh miếu Phù Cát ngày trước là nơi thờ Đức Khổng Tử, thực hiện các nghi lễ của địa phương, còn là nơi sinh hoạt, làm việc của Hội Khổng học huyện Phù Cát ngày xưa. Điều đó chứng tỏ ngày xưa Phù Cát là vùng đất học có tiếng, phát triển mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài. Việc người dân địa phương tự nguyện giữ gìn công trình này là điều rất quý, cho thấy ý thức gìn giữ di sản của bà con rất cao. Tôi nghĩ nếu có điều kiện nên tổ chức nghiên cứu sâu hơn về địa chỉ văn hóa này, khi làm rõ hơn giá trị lịch sử, văn hóa của Văn thánh miếu ta sẽ làm đầy đặn hơn các giá trị văn hóa trầm tích ở Phù Cát”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN