Công bố báo cáo “Đánh giá kết quả ba năm thực thi Hiệp định EVFTA đối với kinh tế Việt Nam”
Trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Tổ chức Hợp tác quốc tế Cộng hòa Liên bang Đức (GIZ) tài trợ, sáng 27.10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố báo cáo “Đánh giá kết quả ba năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) đối với kinh tế Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc, TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, Chính phủ và các cơ quan, viện nghiên cứu của Việt Nam đã đặc biệt lưu tâm đến tác động của EVFTA. Kết quả thực thi Hiệp định EVFTA đã được tổng kết, đánh giá định kỳ (sau một năm và hai năm).
“Dù vậy, ngay cả khi tập trung vào các đánh giá định tính, các báo cáo đến nay chưa đạt được độ sâu cần thiết. Nguyên nhân một phần là do việc thực hiện EVFTA trong thời gian tương đối ngắn chưa đủ để dẫn tới những thay đổi đủ sâu rộng trong cơ cấu sản xuất-xuất khẩu của doanh nghiệp và hành vi tiêu dùng của người dân, hộ gia đình. Bên cạnh đó, việc tách rời tác động của EVFTA với tác động của các diễn biến, xu hướng địa chính trị, kinh tế trên thế giới trong các năm 2020-2022 là không dễ”, TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.
Ảnh minh họa: TTXVN
Trình bày kết quả nghiên cứu, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM cho biết, dù phải đối mặt với không ít khó khăn và hệ lụy tiêu cực về kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Việt Nam vẫn có những nỗ lực khá sôi động và toàn diện để chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Một nỗ lực quan trọng là phối hợp với Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn và thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) kể từ tháng 8.2020 – ngay khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. EVFTA còn nhận được nhiều kỳ vọng, bởi đây không chỉ là hiệp định thương mại tự do (FTA) đầu tiên của Việt Nam với EU, mà còn là một FTA thế hệ mới. Theo đó, cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực để Việt Nam hoàn thiện năng lực thể chế phù hợp với yêu cầu và bối cảnh phát triển mới.
EVFTA đã góp phần tạo điều kiện cho xuất khẩu vào EU phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt trong hai năm đầu. Tác động đối với xuất khẩu vào EU trong năm thứ ba có phần kém tích cực hơn, có thể là do kinh tế thế giới nói chung và kinh tế EU nói riêng gặp những khó khăn do nhiều yếu tố (xung đột địa chính trị; xung đột Nga - Ukraine; tăng giá hàng hóa trên thị trường thế giới và áp lực lạm phát; lãi suất điều hành và các quy định đối với nhập khẩu có xu hướng gia tăng ở thị trường EU…). Tác động của EVFTA đối với tăng trưởng nhập khẩu từ EU có phần kém rõ ràng hơn so với tăng trưởng xuất khẩu vào EU…
Đối với đầu tư nước ngoài, tác động với dòng vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam cũng cho thấy những cải thiện rõ rệt xét trong tổng thể kết quả thu hút FDI của Việt Nam. Với nhiều ưu đãi thuế quan và gỡ bỏ các hạn chế tiếp cận thị trường trong nhiều lĩnh vực, EVFTA đã mở rộng cửa cho các nhà đầu tư EU tiếp cận và mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020, nhưng đầu tư từ EU vào Việt Nam ít nhiều đã tăng sau đại dịch. Hà Lan, Pháp, Luxembough, Đức, Đan Mạch, Bỉ lần lượt là 6 nhà đầu tư hàng đầu của EU vào Việt Nam.
Từ góc độ thể chế, ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh, EVFTA đã phát huy vai trò thúc đẩy cải cách thể chế. Kết quả phân tích cho thấy các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững, dịch vụ tài chính và mua sắm công đều có nhiều điều chỉnh về các thể chế, văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống pháp luật Việt Nam phần lớn đã tương thích với các cam kết trong EVFTA.
Cùng với đó, tiến độ chuẩn bị một số văn bản quy phạm pháp luật để triển khai EVFTA có phần nhanh hơn so với CPTPP, có thể do đã rút kinh nghiệm từ quá trình tổ chức thực thi CPTPP. Tuy nhiên, Việt Nam cần cân nhắc cách tiếp cận đối với một số cam kết trong một số lĩnh vực, tránh nội luật hóa một cách quá cứng nhắc và ảnh hưởng đến khả năng thích ứng của thị trường trong nước trước các diễn biến, bối cảnh mới.
Để khai thác tối đa lợi ích từ Hiệp định EVFTA trong bối cảnh cải cách thể chế kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam, ông Nguyễn Anh Dương cho biết, báo cáo đã đưa ra các khuyến nghị cụ thể, bao gồm: rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình thực thi nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán các cam kết; trong đó có cân nhắc thực hiện một số điều chỉnh chính sách cao hơn cam kết nếu thực sự cần thiết và phù hợp với bối cảnh mới.
Cùng với đó, báo cáo khuyến nghị Chính phủ cần tăng cường sự phối hợp đồng bộ từ trung ương tới địa phương; tăng cường tuyên truyền, phổ biến về FTA tới các khối doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa; nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
“Các bộ, ngành cần tăng cường và đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, định hướng thị trường xuất khẩu nhằm tận dụng cơ hội từ EVFTA; rà soát, đơn giản hóa các quy định, thủ tục về cấp giấy chứng nhận C/O cho doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường đối tác; đồng thời chủ động nghiên cứu các nội dung liên quan đến cải cách cơ cấu nhằm hỗ trợ thực thi EVFTA”, lãnh đạo CIEM nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi thêm về tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm trong việc thực thi EVFTA trong giai đoạn 2020-2023; các kiến nghị, giải pháp nhằm thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thúc đẩy các sáng kiến phát triển bền vững, hợp lý hóa các dịch vụ tài chính và quy trình mua sắm công phù hợp với EVFTA trong thời gian tới.
(Theo Thúy Hiền/TTXVN)