“Giữ chân” đảng viên là quân nhân xuất ngũ -Kỳ cuối: Ðể những “hạt giống đỏ” nảy mầm xanh
Cấp ủy, chính quyền các cấp cần có giải pháp căn cơ, từng bước hạn chế tình trạng “thất thoát” đảng viên là quân nhân xuất ngũ.
Chú trọng phát triển, quản lý đảng viên
Để giải quyết bài toán “thất thoát” đảng viên sau khi xuất ngũ về địa phương, trước hết phải thay đổi căn bản, toàn diện công tác phát triển Đảng đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ.
Theo đại tá Nguyễn Minh Hiến - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quân sự tỉnh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, trong công tác tuyển quân, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh sẽ chỉ đạo khi thâm nhập hồ sơ thanh niên nhập ngũ, các cơ quan, đơn vị phải phối hợp với địa phương, gia đình nắm nguyện vọng của thanh niên, nắm chắc số lượng địa phương xác định tạo nguồn. Công tác tạo nguồn cũng phải phù hợp để có “sản phẩm đầu ra” thật sự chất lượng.
“Bộ CHQS tỉnh cũng sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị (thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu) nhận quân của tỉnh tăng cường công tác giáo dục, hướng dẫn đảng viên trước khi xuất ngũ phải thực hiện chuyển sinh hoạt đảng về địa phương nơi cư trú. Việc này hết sức cần thiết, nhất là với số đảng viên dự bị, để tổ chức đảng ở địa phương tiếp tục theo dõi, giúp đỡ tạo điều kiện cho đảng viên phát huy vai trò, trách nhiệm”, đại tá Hiến nói.
Từng tham gia nghĩa vụ quân sự, được kết nạp Đảng sau khi trở về địa phương, ông Lê Văn Bạn, Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hòa Trung (xã Bình Tường, huyện Tây Sơn), đồng quan điểm: “Để khắc phục tình trạng đảng viên xuất ngũ không mặn mà với tổ chức Đảng, khâu lựa chọn, giới thiệu những thanh niên trước khi lên đường nhập ngũ được đi học lớp nhận thức về Đảng cũng cần phải đảm bảo chặt chẽ hơn, không vì thành tích, chỉ tiêu kết nạp mà bỏ qua chất lượng”.
Trong khi đó, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hoài Thanh (TX Hoài Nhơn) Trần Văn Thư chia sẻ, để giữ chân đảng viên là quân nhân xuất ngũ, các chi ủy phải nắm chắc thực trạng đội ngũ đảng viên của chi bộ mình. “Các chi bộ thuộc Đảng ủy phường Hoài Thanh giữ mối liên hệ mật thiết nên 48 đảng viên là quân nhân xuất ngũ luôn tham gia sinh hoạt đầy đủ, tích cực. Nhiều người có nhiều đóng góp cho các phong trào, hoạt động tại địa phương, đơn cử như đồng chí Hồ Cao Vinh (khu phố Trường An 1), đồng chí Lê Văn Luận, Nguyễn Quốc Nhẫn (khu phố Lâm Trúc 1)...”, ông Thư nói.
Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội sẽ giúp quân nhân luôn thấy mình và gia đình được quan tâm, tiếp tục gắn bó với tổ chức Đảng sau khi xuất ngũ.
- Trong ảnh: Ban CHQS TP Quy Nhơn phối hợp với các cơ quan, đơn vị khánh thành nhà Mái ấm chiến sĩ hỗ trợ cho quân nhân tại ngũ có hoàn cảnh khó khăn ở phường Lý Thường Kiệt. Ảnh: V.H
Bên cạnh đó, theo Trưởng Ban Tổ chức Thị ủy Hoài Nhơn Võ Ngọc Bình, để tạo điều kiện cho đảng viên nói chung và đảng viên là bộ đội xuất ngũ nói riêng, các chi bộ cần tổ chức lịch sinh hoạt linh hoạt, có thể mùa mưa thì sinh hoạt ban ngày, lúc vào mùa vụ thì sinh hoạt ban đêm.
Ở khía cạnh khác, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phạm Vĩnh Thái cho rằng, cấp ủy các cấp phải thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc, quy định về quản lý đảng viên nói chung và quản lý đảng viên đi làm ăn xa nói riêng. Trong đó, chú trọng hướng dẫn kỹ cho các đảng viên đi làm ăn xa, làm việc lưu động, không ổn định hoặc ở những nơi không có tổ chức Đảng, trở về tham gia sinh hoạt chi bộ theo quy định của Điều lệ Đảng.
“Một số quy định về việc đảng viên giữ mối liên hệ, thời hạn bảo lưu, tham gia sinh hoạt đối với đảng viên làm ăn xa, đi nước ngoài và ở các DN không có tổ chức Đảng còn bất cập. Do đó, chúng tôi sẽ kiến nghị Ban Tổ chức Trung ương sớm ban hành quy định, hướng dẫn nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ phù hợp với thực tế của các đối tượng, các tổ chức Đảng đặc thù, trong đó có đảng viên là bộ đội xuất ngũ”, ông Thái chia sẻ.
Theo dõi sát sao, tạo việc làm tại chỗ
Tại TX An Nhơn, Công ty CP May An Nhơn là một trong những DN được đánh giá cao trong việc giải quyết, tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là đối với bộ đội xuất ngũ.
Bà Bùi Thị Bạch Tuyến - Phó Bí thư Chi bộ, Giám đốc điều hành Công ty, cho biết: “Trong số 15 lao động là bộ đội xuất ngũ đang làm việc tại Công ty, có 7 người là đảng viên. Các lao động này luôn có ý thức, trách nhiệm cao trong công việc. Ngoài ra, Chi bộ Công ty cũng thường xuyên liên hệ, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy nơi các đảng viên đang cư trú để kịp thời giúp các quân nhân xuất ngũ khắc phục hạn chế, phát huy được trách nhiệm, vai trò của người đảng viên”.
Quân nhân xuất ngũ Nguyễn Ngọc Lệnh (SN 1993, ở phường Bình Định, TX An Nhơn) đang làm việc tại Công ty CP May An Nhơn. Ảnh: H.P
Mô hình tại Công ty CP May An Nhơn cần được nhân rộng trong công tác xây dựng Đảng ở cơ sở hiện nay. Bởi để phát huy tốt nguồn lực đảng viên là quân nhân xuất ngũ, trước tiên phải giải quyết việc làm cho họ ngay tại địa phương; kế đến là có chính sách hỗ trợ vốn, đào tạo nghề hiệu quả. Có như vậy mới giúp họ đảm bảo đời sống, tích cực tham gia sinh hoạt và gắn bó với tổ chức Đảng.
Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đỗ Thị Diệu Hạnh, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với Bộ CHQS tỉnh và các địa phương rà soát, thống kê số thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, nhất là khảo sát nhu cầu lao động của DN nhằm tư vấn, định hướng lựa chọn nghề hiệu quả.
“Vấn đề đặt ra là phải tìm hiểu nhu cầu việc làm trên thực tế, trong đó có việc tăng cường tư vấn, kết nối cung cầu để quân nhân xuất ngũ và DN có thể tìm hiểu thông tin, từ đó đào tạo ngành nghề phù hợp. Sau khi quân nhân xuất ngũ được đào tạo nghề, cần tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên biệt. Có như vậy mới giúp nguồn lao động này không bị “lỗi nhịp” với thị trường lao động”, bà Hạnh nói.
Trong khi đó, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vĩnh Thạnh Nguyễn Kế Đấu cho rằng phải đảm bảo sự quan tâm, tiếp nhận bộ đội xuất ngũ, giải quyết chính sách, tạo điều kiện cho họ phát triển cuộc sống sau này. “Đây là “điều kiện cần và đủ” để đảng viên là quân nhân xuất ngũ tham gia sinh hoạt Đảng, phát huy tinh thần trách nhiệm của mình trong xây dựng quê hương. Đừng để khi đi nghĩa vụ quân sự thì ai cũng đến vận động, quan tâm, nhưng khi về thì rất lặng lẽ, không tổ chức nào ngó ngàng tới”, ông Đấu bày tỏ.
Và, quan trọng không kém là trên cơ sở định hướng tạo nguồn của địa phương và nguyện vọng của cá nhân, các chi bộ phân công cán bộ theo dõi, giúp đỡ quần chúng phấn đấu kết nạp Đảng. “Phải giác ngộ cho quần chúng động cơ, lý tưởng, trách nhiệm khi trở thành đảng viên trong cả quá trình thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị và sau khi trở về địa phương”, ông Phạm Vĩnh Thái nhấn mạnh.
Không nên cứng nhắc, đẩy cái khó cho người khác
Theo đồng chí Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, vì cuộc sống, người lao động dịch chuyển công việc giữa các địa bàn là điều tất yếu. Nếu các cấp ủy đảng không đổi mới công tác quản lý đảng viên, phương thức tổ chức sinh hoạt để phù hợp với tình hình thực tiễn thì sẽ tụt hậu. Nhất là với đảng viên đi làm ăn xa (trong đó có đảng viên là quân nhân xuất ngũ), quy định tháng nào cũng phải về sinh hoạt trực tiếp thì chưa phù hợp. Cấp ủy các chi bộ khu dân cư phải có sự linh hoạt trong cách thức quản lý đảng viên và tổ chức sinh hoạt, bởi mỗi cá nhân khi có ý thức xây dựng Đảng thì dù ở đâu, làm nghề gì đều phát huy được sức chiến đấu của Đảng.
Chẳng hạn, các cấp ủy có thể dự kiến chương trình, nội dung sinh hoạt, sau đó thông báo cho các đảng viên không có mặt ở địa phương, đề nghị có ý kiến đóng góp. Hay việc sinh hoạt, có thể tổ chức riêng cho các đảng viên hiện đang ở địa phương, sau đó bố trí thời gian phù hợp, thuận tiện hơn cho các đảng viên đang làm ăn xa, đảng viên đang làm việc tại các công ty, xí nghiệp trên địa bàn. Mặt khác, các cấp ủy cũng phải thường xuyên giữ mối quan hệ, có sự quan tâm sâu sát, động viên chân tình đối với đảng viên đi làm ăn xa.
“Cấp ủy cần có sự thay đổi, không nên cứng nhắc, máy móc quá; phải nhận cái khó về mình, không đẩy cho đảng viên, miễn là không vi phạm nguyên tắc của Đảng, hướng đến mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ”, đồng chí Lê Kim Toàn nhấn mạnh.
HỒNG PHÚC