Nghĩ điều hay, làm việc tốt
Những “Thanh niên sống đẹp” năm 2023 được Tỉnh đoàn tuyên dương đã truyền năng lượng tích cực thông qua việc năng nổ tham gia các hoạt động Ðoàn, Hội, triển khai các chương trình hướng về cộng đồng. Với họ, sống đẹp là cách để chia sẻ, yêu thương và cống hiến nhiều hơn.
Giúp bằng cả tấm lòng
Đặt trẻ em ở vị trí ưu tiên khi thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, chị Nguyễn Thị Nhớ (SN 1997), nhân viên y tế của Trường THCS Cát Hải, huyện Phù Cát, luôn được học sinh của trường nhớ đến là một “cô y tế” hay cho bánh kẹo, tặng sách vở, cùng thầy cô hỗ trợ những bạn khó khăn.
Ngoài gần gũi học sinh ở trường, chị Nhớ còn phối hợp với các đoàn thiện nguyện tham gia khám bệnh, phát thuốc miễn phí, tặng quà... Tháng 9.2023, chị thành lập nhóm thiện nguyện Kết nối yêu thương, thực hiện dự án “Xe hoa bong bóng”, kết nối nhà hảo tâm, trao 300 suất quà trung thu cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện.
Nhớ mãi về lần cứu người đột xuất vào năm 2021, chị kể, khi chị vừa chở con trai đến trường thì nghe tiếng hô hoán cứu người gần đó. Lập tức chạy đến, chị Nhớ phát hiện một bé trai có biểu hiện mắc dị vật, người dần tím tái vì ngạt thở.
“Khi đó, như một phản xạ, tôi xốc người sơ cứu và chở bé đến TTYT huyện, trao đổi nhanh với bác sĩ để cấp cứu. Sau khi thành công, bác sĩ nói rằng chỉ cần chậm khoảng 1 phút nữa thì nhiều khả năng sẽ không cứu được bệnh nhi này. Thật may rằng tôi đủ bình tĩnh và kiến thức để giúp đỡ bé. Lần ấy, tôi vinh dự được TTYT huyện khen thưởng”, chị Nhớ tâm sự.
Còn anh Nguyễn Phan Hải Vương Bình (SN 1997), Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, lại dành sự quan tâm cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, thanh niên chậm tiến.
Anh Bình (ngoài cùng bên phải) hỗ trợ thanh niên có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Ảnh: NVCC
Cụ thể, anh đã đề xuất Đoàn Thanh niên xã hỗ trợ 2 thanh niên yếu thế có hoàn cảnh khó khăn với mức 300 nghìn đồng/người/tháng; triển khai mô hình giúp đỡ thanh niên chậm tiến bằng cách tặng quà, giới thiệu việc làm và hướng các thanh niên này tham gia vào hoạt động của Đoàn, Hội.
Anh Bình chia sẻ, để tiếp cận và hỗ trợ đối tượng trên rất khó khăn, bởi không ít người có lối sống bất cần. Với những thanh niên từng chấp hành án phạt tù, họ còn thêm nỗi tự ti. Bởi vậy, anh mất gần một năm để từ người xa lạ trở nên gần gũi và thân thiết hơn với các trường hợp này.
Anh Bình tâm sự: “Trở ngại lớn nhất là thay đổi tư tưởng, giúp họ có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống. Tôi cùng anh em trong Đoàn Thanh niên xã dành thời gian cùng sinh hoạt, trò chuyện, từ đó hiểu thêm góc khuất trong mỗi người, động viên họ làm lại cuộc đời, sống có ích hơn. Chúng tôi cảm thấy hạnh phúc khi chứng kiến sự tiến bộ của từng người”.
Truyền cảm hứng
Anh Nguyễn Văn Kiệt (SN 1993, ở thôn Chánh Trực, xã Mỹ Thọ) là một trong những thanh niên chậm tiến được anh Bình quan tâm, giúp đỡ. Sau khi tái hòa nhập cộng đồng, anh Kiệt mang nỗi tự ti về quá khứ nên sống khép mình.
Anh Kiệt kể lại: “Ban đầu chúng tôi chỉ nói chuyện vài câu. Sau đó, Bình cùng những anh em khác ghé nhà, cùng ăn bữa cơm, tâm sự nhiều điều. Được động viên, tôi dần hiểu mình không nên sống mãi trong nỗi ân hận về sai lầm quá khứ. Tôi mua xe tải nhỏ chở hàng, cuộc sống tốt hơn trước và có mái ấm nhỏ cho riêng mình”.
Tương tự, lối sống tích cực của chị Nhớ đã truyền cảm hứng cho bạn bè xung quanh. Ai cũng muốn góp chút sức, lan tỏa yêu thương đến trẻ mồ côi, trẻ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, điều kiện sống hạn chế. Khi chị Nhớ khởi xướng, người thì góp tiền, người thì kêu gọi quyên góp đồ dùng học tập, quần áo, đồ chơi…
Chị Nhớ coi trẻ em là đối tượng ưu tiên để yêu thương, chăm sóc. Ảnh: NVCC
Đồng hành với chị Nhớ tổ chức các đêm trung thu thiện nguyện vừa qua, chị Lê Thị Ái Vi (SN 1997, ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát) tâm sự: “Nhớ luôn nhiệt tình, không ngại đường xa, nắng mưa khi đi thăm tặng quà cho trẻ, bất kể ở trong hay ngoài tỉnh. Đi với Nhớ, tôi thấy mình năng động và cởi mở hơn trước”.
Nhận thức được sức lan tỏa của những việc mình làm, các “thanh niên sống đẹp” tự động viên bản thân nỗ lực hơn nữa để góp sức giúp đỡ người yếu thế. “Thời gian tới, bên cạnh duy trì các mô hình hiệu quả, tôi sẽ mở rộng các nguồn quỹ, sử dụng kinh phí đó để kết nối, hỗ trợ thanh niên khuyết tật tìm được việc làm, ổn định cuộc sống”, anh Bình nói.
DƯƠNG LINH