Xung đột Israel- Hamas chuyển sang giai đoạn ác liệt hơn
Nhà chức trách Israel ngày 28.10 tuyên bố, nước này sẽ chuyển sang giai đoạn mới của cuộc chiến, với mục tiêu cao nhất là xóa sổ lực lượng Hamas. Tuyên bố này cũng đồng nghĩa với việc cuộc xung đột ở dải Gaza sẽ tiếp tục diễn biến ác liệt hơn.
Phát biểu với báo chí Trung tướng Herzi Halevi, tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel nêu rõ: “Các lực lượng mặt đất hiện đang tiến hành một chiến dịch quan trọng và phức tạp. Mục tiêu của cuộc chiến đòi hỏi phải có một cuộc hành quân trên bộ. Không có thành tựu nào mà không có rủi ro. Không có chiến thắng nào mà không phải trả giá. Để tiêu diệt đối phương, không có cách nào khác ngoài việc xâm nhập vào lãnh thổ của họ bằng vũ lực”.
Cảnh đổ nát sau các cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 9.10.2023. Ảnh: THX
Trước đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng xác nhận giai đoạn thứ hai của cuộc chiến chống lại Hamas đã bắt đầu, với mục tiêu xóa sổ lực lượng vũ trang và lãnh đạo nhóm này, đồng thời đưa các con tin bị giữ ở Gaza về nhà. Ông Netanyahu cũng cam kết sẽ dùng mọi biện pháp để trả lại tự do cho họ. Nhà lãnh đạo Israel khẳng định cuộc chiến ở Gaza sẽ còn kéo dài.
Tuyên bố này cũng đồng nghĩa với việc cuộc xung đột ở Dải Gaza sẽ tiếp tục diễn biến ác liệt hơn. Theo thống kê mới nhất, tính từ khi xung đột tại Dải Gaza ngày 7.10 vừa qua, đến nay, số người chết đã tăng lên 7.650 người trong khi số người bị thương là hơn 19.450 người. Cơ sở hạ tầng bị phá hủy nghiêm trọng. ước tính hơn 177.000 cơ sở hạ tầng dân sinh đã phá hủy hoàn toàn. 1/3 bệnh viện ở Dải Gaza và 2 phần 3 cơ sở y tế tại đây vẫn bị đóng cửa.
Trước diễn biến trên, cộng đồng quốc tế đã kêu gọi Israel cân nhắc lại quyết định. Trả lời phỏng vấn báo giới hôm qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nói rằng, mặc dù Nga chỉ trích gay gắt hành vi của Hamas, song nước này không đồng tình với việc “tấn công bừa bãi các mục tiêu có dân thường sinh sống, bao gồm cả những con tin đã bị bắt giữ”.
Theo Ngoại trưởng Nga, việc Israel ném bom Dải Gaza là trái với luật pháp quốc tế và có nguy cơ gây ra một thảm họa có thể kéo dài hàng thập niên:
“Gaza bị phá hủy và 2 triệu dân phải rơi đi. Điều này sẽ gây ra thảm họa trong nhiều thập niên, nếu không muốn nói là hàng thế kỷ. Chúng ta cần phải dừng chiến tranh lại và đưa ra các chương trình nhân đạo cứu những người dân đang bị phong tỏa. Họ đang không có nước uống, không có điện, không có lương thực, không có hệ thống đốt nóng, chẳng có gì cả".
Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas ngày 28.10 kêu gọi Liên đoàn Arab phản ứng với chiến dịch của Israel ở Dải Gaza. Ông Abbas ủng hộ hành động ngay lập tức từ cộng đồng quốc tế và các nhà lãnh đạo Arab nhằm chấm dứt tình trạng xung đột. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc đưa viện trợ nhân đạo và thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng di dời của người Palestine.
Trong khi đó, người đứng đầu Cao ủy nhân quyền Liên Hợp Quốc Volker Turk cũng cảnh báo về hệ quả to lớn nếu Israel tiếp tục chiến dịch quân sự quy mô lớn ở dải Gaza. Trước đó, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 27.10 đã thông qua với đa số áp đảo một nghị quyết do Jordan khởi xướng, kêu gọi chấm dứt xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas. Nghị quyết vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cả Mỹ và Israel, cùng với 12 quốc gia khác đã bỏ phiếu chống.
Theo Hồng Nhung (VOV1)