Ðể tránh tai nạn lao động trên biển
Chỉ tính từ tháng 6.2023 đến nay, đã có hàng chục vụ thuyền viên trên tàu cá Bình Ðịnh bị tai nạn lao động, dẫn đến mất tích, thiệt mạng, hoặc bị thương tật.
Văn phòng Thường trực về Phòng, chống thiên tai tỉnh thường xuyên theo dõi, báo cáo về tình hình tàu cá hoạt động trên biển. Trong đó, có thông tin về nhiều vụ thuyền viên tàu cá bị tai nạn lao động trong mấy tháng qua.
Người lao động trên một tàu cá ở Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: H.THU
Ngày 11.6, một tàu cá của ngư dân TX Hoài Nhơn đang hoạt động tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), thuyền viên T.C. rơi xuống biển mất tích. Ngày 27.7, tàu cá khác cũng của ngư dân Hoài Nhơn đang hoạt động trên biển, thuyền viên H.V.Đ. bị sóng đánh rơi xuống biển, dù được đưa đi cấp cứu nhưng sau đó ngư dân này tử vong. Ngày 22.10, thuyền viên H.V.T. rơi xuống biển mất tích khi đang làm việc trên một tàu cá của ngư dân huyện Phù Cát đánh bắt xa bờ.
Thuyền viên tàu cá bị các tai nạn khác cũng xảy ra khá nhiều. Ngày 25.7, ông P.V.Đ. - thuyền trưởng một tàu cá ở TX Hoài Nhơn đang đi đánh bắt ở vùng biển phía Nam, bị tai nạn lao động khiến cánh tay trái bị đứt gần lìa, phải nhờ Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều máy bay đưa vào bờ chữa trị. Ngày 9.8, một tàu cá của chủ tàu ở TX Hoài Nhơn cũng phải cập Cảng cá Quy Nhơn để cấp cứu thuyền viên N.T.B. bị chấn thương vùng ngực. Ngày 16.10, thuyền viên K.V.T. (ở TX Hoài Nhơn) bị điện giật tử vong khi đang đi đánh bắt cá.
Một số trường hợp khác được quân y ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa kịp thời cứu chữa. Ngày 19.7, thuyền viên T.V.C. (ở TX Hoài Nhơn) bị ngã vào vật cứng trên tàu cá, gây ra đa chấn thương, phải vào đảo Trường Sa lớn để cấp cứu. Đến ngày 20.8, lại có thuyền viên Đ.T.V. (ở TX Hoài Nhơn) bị thương, được đưa vào đảo Trường Sa lớn cấp cứu, điều trị gãy tay phải, chấn thương phần mềm vùng ngực, hạ sườn phải. Thuyền viên N.M.C. (ở TX Hoài Nhơn) được bệnh xá đảo Sơn Ca cấp cứu đêm 31.8, sau khi bị tời dây trên tàu cá cuốn vào tay, gây ra vết thương làm cụt đốt ngón tay bàn tay trái.
Những vụ việc trên tiếp tục làm tăng số lượng thuyền viên tàu cá Bình Định bị tai nạn lao động trong nhiều năm qua. Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Trần Văn Vinh, nhiều thuyền viên bị tai nạn là do các thiết bị sử dụng trên tàu cá để khai thác thủy sản chưa được tính toán, kiểm tra kỹ để đảm bảo an toàn. Thuyền viên không mặc áo phao khi làm việc dẫn đến khi bị trượt ngã, hay sóng cuốn, gió tạt xuống biển đã gặp nguy hiểm cao hơn.
Từ tháng 5.2023, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam đã tăng cường tuyên truyền, lưu ý về an toàn lao động trên biển, bởi ngày càng đáng lo ngại. Theo Trung tâm, một trong những nguyên nhân chủ yếu là sự chủ quan của ngư dân dẫn đến các tai nạn lao động. Bên cạnh đó, đặc thù lao động trên biển khá nặng nhọc, ban đêm thường phải thức trắng để đánh bắt, lại chủ yếu làm việc tay chân trong điều kiện sóng gió, trơn trượt... nhưng nhiều người lao động lại chưa được trang bị, đào tạo bài bản, đầy đủ kỹ năng đánh bắt và an toàn trên biển.
Để hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động trên biển, cần sự quan tâm nhiều hơn nữa từ đơn vị liên quan, địa phương. Đặc biệt là đối với TX Hoài Nhơn, nơi có số lượng tàu cá khai thác xa bờ nhiều nhất tỉnh, thời gian qua cũng có nhiều ngư dân bị tai nạn lao động. Cần sự phối hợp giữa các đơn vị, địa phương để rà soát, đánh giá lại lực lượng lao động trên tàu cá của tỉnh hiện nay, cùng thực tế các vụ tai nạn lao động, để tổ chức tập huấn cho ngư dân về kiến thức an toàn hàng hải, các phương pháp sơ cấp cứu y tế tại chỗ trên tàu cá, cũng như cách thức phối hợp tìm kiếm cứu nạn.
Cùng với đó, chủ tàu cá, thuyền viên cần nâng cao nhận thức, chủ động phòng, tránh tai nạn lao động. Ông Phan Thanh Tĩnh, chủ tàu cá có nhiều kinh nghiệm ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn), cho biết ngoài việc chấp hành các quy định, trong các chuyến đi đánh bắt dài ngày không tránh khỏi sự mệt mỏi, có khi lơ đễnh. Ông luôn nhắc nhở thuyền viên cẩn thận không chỉ trong làm việc mà còn khi sinh hoạt trên tàu cá, tránh bất cẩn dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
“Chúng tôi cũng mong muốn tiếp tục có các chương trình tập huấn liên quan đến đảm bảo an toàn tàu cá và thuyền viên, tổ chức trong thời gian phù hợp để ngư dân tham gia”, ông Tĩnh đề đạt.
HOÀI THU