Chủ động để tránh giãn dây chằng cổ tay
Giãn dây chằng cổ tay là tình trạng không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu không điều trị đúng cách thì tổn thương có thể không hồi phục, dẫn tới tình trạng đau mạn tính, ảnh hưởng tới khả năng vận động.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng cổ tay bị giãn dây chằng là do té ngã, bị đánh vào cổ tay, xoắn cổ tay, do thực hiện động tác xoay, vặn tay đột ngột... Khi thường xuyên khuân vác, bưng bê đồ vật nặng, hệ thống dây chằng bị kéo căng liên tục cũng dễ dẫn đến tình trạng giãn dây chằng. Giãn dây chằng cổ tay kéo dài có thể khiến khớp cổ tay lỏng lẻo, vận động khó khăn.
Cổ tay là vùng có cấu tạo phức tạp, gồm nhiều xương nhỏ và dây chằng. Các động tác vặn và xoay bàn tay, chống đỡ khi trượt té có thể dẫn đến giãn dây chằng cổ tay. Các dấu hiệu giãn dây chằng là cảm thấy đau nhức kèm sưng tấy, bầm tím ở vùng cổ tay. Bác sĩ Nguyễn Văn Tâm, Trưởng khoa Nội trung cao (BVĐK tỉnh) khuyến cáo: Khi nghi bị giãn dây chằng, bệnh nhân cần đi khám bác sĩ chuyên khoa; nghiêm túc thực hiện y lệnh của bác sĩ; để cổ tay nghỉ ngơi tối thiểu tới 48 giờ; thường xuyên nâng cổ tay lên vị trí cao hơn tim và có thể đặt tay lên đầu gối. Để giảm sưng, đau có thể băng cổ tay hoặc dùng nẹp cố định cổ tay người bệnh với hướng dẫn chi tiết của bác sĩ điều trị. Với các trường hợp tổn thương nặng có thể sẽ phải phẫu thuật để điều trị dứt điểm.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)