Cảnh báo rắn độc, côn trùng cắn mùa mưa
Gần đây, khoa Nội Tổng hợp (BVĐK tỉnh) đã tiếp nhận, điều trị nhiều trường hợp bị rắn độc, côn trùng độc cắn.
Bệnh nhân Trương Văn Dũng (SN 1964) ở phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn, bị rắn lục cắn vào vùng cẳng chân, kể: Khoảng 19 giờ ngày 26.10.2023, đang cắt cỏ ngoài đồng thì bất ngờ bị rắn lục cắn, tôi chỉ kịp báo gia đình đưa đi cấp cứu. Sau 2 ngày điều trị, vết thương vẫn còn sưng to và rất đau. Điều đáng mừng là khá nhiều trường hợp bị rắn độc cắn; nhưng tất cả đều được cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng. Chị N.T.L (ở xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn)- một trường hợp nghiêm trọng, được theo dõi và truyền huyết thanh liên tục tại BVĐK tỉnh - cho hay: Tôi đang tập thể dục ở sân nhà thì bất ngờ bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào cẳng chân; ngay lập tức cẳng chân sưng to lên, đau nhức dữ dội. Tôi chỉ kịp hô hoán để người nhà khẩn trương đưa đi cấp cứu…
Một bệnh nhân bị rắn độc cắn đang được kiểm tra, theo dõi tình trạng sức khỏe. Ảnh: H.T.Đ
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, tại khoa Nội Tổng hợp (BVĐK tỉnh) đã tiếp nhận 130 ca do rắn độc, côn trùng độc cắn. Bác sĩ Ngô Thị Xuân Vân, Phó trưởng khoa Nội Tổng hợp, khuyến cáo: Hiện nay, thời tiết đã chuyển vào mùa mưa, đây là giai đoạn sinh trưởng của các loại rắn độc, côn trùng độc. Để giảm tối đa nguy cơ bị rắn cắn, mọi người cần phát quang bụi rậm quanh nhà. Khi làm vườn, thăm ruộng nên mang ủng, đeo găng tay; buổi tối ra vườn cần có đèn soi đường, có mũ rộng vành. Nên đánh động trước để xua rắn, côn trùng tránh đi. Khi bị rắn cắn phải rửa sạch vết thương bằng xà phòng, hạn chế vận động, không buộc ga-rô tùy tiện vì nếu làm sai cách sẽ bị phù nề. Riêng với trường hợp rắn hổ mang cắn, phải nhanh chóng buộc ga-rô để ngăn chặn nọc độc theo máu lan đến các bộ phận khác trên cơ thể. Trong mọi trường hợp phải nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời; tuyệt đối không được điều trị theo các biện pháp dân gian.
HỒ THỊ ÐIỂM