Cảnh giác với bệnh đậu mùa khỉ
Mấy tuần gần đây, tại một số địa phương ở phía Nam, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, ghi nhận nhiều ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó đã có 1 người chết. Ngành y tế cảnh báo, bệnh đậu mùa khỉ lây lan là khó tránh khỏi. Bên cạnh sự kiểm soát của ngành y tế, mỗi người dân nên chủ động phòng bệnh cho bản thân và gia đình.
Theo các chuyên gia y tế, đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi rút đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có 2 đường lây là lây từ động vật sang người và lây từ người sang người thông qua các tiếp xúc gần với vết thương, với dịch tiết hoặc giọt bắn đường hô hấp. Ta sẽ bị mắc bệnh đậu mùa khỉ nếu tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh hoặc các vật dụng, đồ dùng đã nhiễm mầm bệnh. Thai phụ mắc bệnh đậu mùa khỉ sẽ lây cho con trong thời kỳ mang thai hoặc sau khi sinh do tiếp xúc gần.
Khám bệnh cho người lớn tuổi tại TTYT TX Hoài Nhơn. Ảnh: T. KHUY
Nói về 20 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tại TP Hồ Chí Minh (trong đó có 18 ca dương tính với HIV), ông Nguyễn Thanh Truyền, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Biểu hiện lâm sàng của bệnh đậu mùa khỉ là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, đặc biệt là phát ban. Ban sẽ xuất hiện ở nhiều nơi trên cơ thể như: Mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân, miệng, bẹn, cơ quan sinh dục hoặc ở hậu môn. Những mụn mủ này sau một thời gian phát bệnh sẽ lành; tuy nhiên một số trường hợp ở những người có nguy cơ cao như trẻ em, người già hay những người bị suy giảm miễn dịch - đơn cử là những người nhiễm HIV, bệnh trạng có thể bệnh nặng hơn, nhiều nguy cơ dẫn đến tử vong. Bệnh nhân đậu mùa khỉ tại TP Hồ Chí Minh bị chết vốn là người nhiễm HIV.
Biết thông tin có ca tử vong vì đậu mùa khỉ, chị Lê Thị Bích Quyên, 36 tuổi, ở phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn, chia sẻ: Tôi và người nhà bảo nhau cẩn thận hơn, sẽ nghiêm túc thực hiện các khuyến cáo của ngành y tế để phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ.
Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo, bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan ở nhiều nước trên thế giới và là vấn đề sức khỏe cộng đồng. Với Việt Nam, từ tháng 10.2022 đến nay đã phát hiện hơn 20 ca. Nếu năm 2022 có 2 ca và cả 2 đều có yếu tố nước ngoài, thì những ca gần đây đều mang yếu tố nội địa, nói cách khác mầm bệnh đã có và lây lan trong nước. Để phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, ông Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; sẵn sàng các điều kiện để thu dung và phân tuyến điều trị, cách ly bệnh nhân, thực hiện tốt việc phân luồng, kiểm soát lây nhiễm tại các cơ sở điều trị.
Đối với người dân, ngành y tế cũng khuyến cáo, nếu phát hiện có người mắc bệnh hoặc nghi vấn mắc bệnh đậu mùa khỉ, nên tránh tiếp xúc gần, đặc biệt là tránh tiếp xúc với vết thương, với dịch tiết cơ thể hoặc các đồ dùng, vật dụng của đối tượng đó. Nếu nghi ngờ bản thân nhiễm bệnh nên khẩn trương liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn chi tiết. Ông Nguyễn Thanh Truyền chia sẻ thêm, với các biện pháp phòng ngừa trên, ngoài phòng bệnh đậu mùa khỉ, ta còn có thể phòng được nhiều bệnh khác. Đối với người có hiện tượng phát ban bất thường, kèm theo dấu hiệu sốt, đau đầu, đau cơ, sưng hạch thì hãy đến với các cơ sở y tế để được theo dõi và tư vấn kịp thời.
THẢO KHUY