Cần nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc sức khỏe người dân tại các địa bàn khó khăn
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, ngày 30.10, các đại biểu (ĐB) thảo luận tại hội trường về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Sau khi nghe ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) nói về một gia đình khánh kiệt khi có người ốm, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) tham gia tranh luận về các nguyên nhân dẫn đến tái nghèo.
Các ĐBQH và đoàn giám sát đã nêu ra các nguyên nhân khách quan dẫn đến tái nghèo như ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai… ĐB Hiếu nhắc đến nội dung các dự án cấu thành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Trong 7 dự án thành phần, chưa có dự án nào nhấn mạnh cụ thể việc nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc sức khỏe người dân ở các địa bàn khó khăn.
“Có những lần đi thực tế, tôi nhận thấy nguyên nhân rất phổ biến của một gia đình bị tái nghèo là trong gia đình có người ốm. Không phải chỉ gia đình ấy mà cả họ hàng phải dồn sức dồn của để chăm sóc người ốm, cuối cùng bị tái nghèo”, ĐB Hiếu kể.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ sự quan tâm đến việc nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc sức khỏe người dân tại các địa bàn khó khăn. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Theo ĐB Hiếu, những bệnh lý phổ biến như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… cần điều trị thường xuyên. Nếu được dùng thuốc tốt, chăm sóc đúng cách, tỷ lệ bệnh trở nặng sẽ rất nhỏ; chúng ta có thể hoàn toàn khống chế được. Vậy nhưng hiện nay, nguồn lực cho y tế cơ sở hạn chế nên việc điều trị rất nhiều bất cập. Hiếm có cơ sở y tế nào quản lý tốt các bệnh này. Không có thuốc tốt để điều trị thường xuyên, không có phương tiện để chăm sóc, kiểm soát các biến chứng cũng như sơ cứu ban đầu nên tỷ lệ biến chứng gặp rất cao ở các địa phương nghèo.
Một người thân trong gia đình bị đột quỵ phải lên thành phố chữa bệnh; tất cả tiền dự trữ trong nhà “đội nón ra đi”, chưa kể phải vay mượn khắp nơi. Ra viện, về nhà kèm theo tàn phế, không còn khả năng lao động, là gánh nặng gia đình phải chăm sóc.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm đã khẳng định trong phiên báo cáo giám sát sáng 30.10: “Giảm nghèo nhưng chưa được nâng cao chất lượng cuộc sống”.
ĐB Hiếu mong Quốc hội đặc biệt lưu ý vấn đề này. ĐB đề xuất Bộ Y tế và các địa phương tập trung nguồn lực vào dự án chẩn đoán và điều trị các bệnh lý không lây nhiễm phổ biến có tỷ lệ tử vong cao ở địa phương như huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh tâm thần - một bệnh chưa được chú ý đúng mức trong cộng đồng nhưng có nguy cơ lớn tiềm ẩn cho xã hội. Tuyên truyền để không xảy ra tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên; thực hiện hỗ trợ chăm sóc những trường hợp trẻ đẻ non, dị tật bẩm sinh, đặc biệt chú ý đến tiêm chủng và dinh dưỡng. Phát triển chuyên ngành lão khoa tại địa phương vì tỷ lệ già hóa dân số ngày càng cao, biến người già (trên 60 tuổi) trở thành gánh nặng cho xã hội khi mắc các biến chứng bệnh lý gây tàn phế.
“Rất mong Quốc hội, đặc biệt là Chính phủ chú ý hơn nữa đến hệ thống y tế cơ sở của chúng ta”, ĐB Hiếu kiến nghị.
NGUYỄN MUỘI