Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường
Tháng 8.2021, UBND tỉnh chỉ đạo xử lý triệt để, dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là 3 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng: Bãi rác núi Bà Hỏa, cảng cá Quy Nhơn (TP Quy Nhơn) và làng nghề chế biến hải sản khô xuất khẩu Xuân Bình - Xuân Thạnh (huyện Phù Mỹ). Thời gian qua, Sở TN&MT đã theo dõi và đôn đốc việc xử lý, nhưng…
Ông Nguyễn Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT) cho biết, đến nay về cơ bản đã khắc phục xong tình trạng ô nhiễm ở bãi rác núi Bà Hỏa; nhưng ở cảng cá Quy Nhơn và làng nghề chế biến hải sản khô xuất khẩu Xuân Bình - Xuân Thạnh vẫn chưa hoàn thành xử lý ô nhiễm theo yêu cầu.
Chỗ không đạt yêu cầu, chỗ phải “treo” dự án
Năm 2018, hưởng lợi từ dự án CRSD Bình Định, cảng cá Quy Nhơn được đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, tuy vậy kết quả phân tích chất lượng nước thải qua xử lý vẫn không đạt yêu cầu.
Ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Bình Định thừa nhận, hệ thống xử lý nước thải của cảng cá Quy Nhơn chỉ hiệu quả với nguồn thải là nước ngọt. Trong khi đó, ở cảng cá hầu như tiểu thương, chủ tàu thuyền… đều sử dụng nước biển để sơ chế hải sản, vệ sinh sàn. Do độ mặn cao nên nước thải được xử lý qua hệ thống này không thỏa mãn các điều kiện như quy định.
Tương tự, làng nghề chế biến hải sản khô xuất khẩu Xuân Bình - Xuân Thạnh được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư cải tạo hệ thống thu gom và xử lý nước thải, thực hiện trong 2 năm 2018 - 2020. Tuy nhiên, đến nay UBND huyện Phù Mỹ vẫn chưa đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải để được chứng nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm.
Nước thải phát sinh trong quá trình sơ chế hải sản, vệ sinh ở cảng cá Quy Nhơn chưa được xử lý hiệu quả, khiến môi trường bị ô nhiễm. Ảnh: TRỌNG LỢI
Giải thích về vấn đề này, ông Lê Văn Lịch, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện phối hợp với đơn vị tư vấn khảo sát, điều tra thực địa, lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, trình thẩm định, phê duyệt. Vì lượng nước thải sản xuất phát sinh quá ít, lại theo thời vụ (5 cơ sở hoạt động, với khoảng 1,3 m3/ngày đêm/hộ), nên để tránh lãng phí ngân sách, UBND huyện đã đề nghị Sở TN&MT phê duyệt công suất của trạm xử lý nước thải của làng nghề ở mức 20 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, Sở TN&MT không đồng ý vì tại làng nghề sẽ có thêm dự án đầu tư cơ sở sơ chế thủy sản của Công ty TNHH Dịch vụ thủy sản Thảo Loan; quy mô phát thải của cơ sở này khoảng 50 m3/ngày đêm. Song thực tế đến nay, cơ sở này vẫn chưa đi vào hoạt động. Vì vậy việc xây dựng trạm xử lý nước thải của làng nghề vẫn “treo” lại đó.
Khẩn trương xử lý, điều chỉnh quy hoạch
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm tại cảng cá Quy Nhơn, ông Đào Xuân Thiện cho biết: Mới đây, UBND TP Quy Nhơn đã đồng ý để đơn vị đấu nối nước thải đầu ra từ hệ thống xử lý nước thải của cảng cá Quy Nhơn vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của thành phố, sau đó đưa về xử lý tại nhà máy xử lý nước thải Nhơn Bình. Hiện Ban Quản lý cảng cá Bình Định đang phối hợp với các đơn vị liên quan lập hồ sơ, thủ tục gửi Sở TN&MT xem xét, cấp phép theo quy định. Nguồn nước thải trước khi đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của thành phố sẽ được xử lý sơ bộ; dự kiến mọi việc sẽ hoàn thành vào cuối năm nay hoặc chậm lắm là sang quý I/2024.
Với làng nghề chế biến hải sản khô xuất khẩu Xuân Bình- Xuân Thạnh, ông Lê Văn Lịch khẳng định, trong thời gian chưa thể đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sản xuất của làng nghề, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo Ban quản lý các cụm công nghiệp - làng nghề huyện kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động sản xuất của các cơ sở, theo dõi lượng nước thải phát sinh. Đồng thời, triển khai thực hiện vệ sinh, nạo vét hệ thống mương thu gom nước thải và khu xử lý nước thải tập trung tại làng nghề, nhằm giảm thiểu ô nhiễm.
“Về lâu dài, UBND huyện đề nghị cấp có thẩm quyền đưa làng nghề này ra khỏi quy hoạch làng nghề trên địa bàn tỉnh do nhiều năm liền hoạt động không hiệu quả và chuyển công năng để phù hợp với đồ án xây dựng quy hoạch vùng huyện Phù Mỹ đến năm 2035 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1536/QĐ-UBND ngày 7.5.2023 và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay”, ông Lịch cho biết thêm.
Nhà máy chế biến đường Bình Định của Công ty CP Đường Bình Định cũng là một cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, nhà máy này đã ngừng hoạt động, không phát sinh ô nhiễm. Ngày 6.1.2021, TAND tỉnh có thông báo số 1390/ TB-TLVA về kết quả bán đấu giá tài sản của Công ty CP Đường Bình Định, Công ty TNHH Phương Tùng Bách là đơn vị trúng đấu giá tài sản và đang triển khai thủ tục thuê đất. Sở TN&MT sẽ hướng dẫn công ty thực hiện đầy đủ các yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định khi triển khai đầu tư dự án.
TRỌNG LỢI