Thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Mông Cổ lên tầm cao mới
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân mời Tổng thống Mông Cổ và Phu nhân thăm Việt Nam thể hiện mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Mông Cổ phát triển toàn diện, thực chất, thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới.
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân, Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 1 - 5.11. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Việt Nam và cũng là chuyến thăm chính thức nước Đông Nam Á đầu tiên của Tổng thống Mông Cổ kể từ khi nhậm chức.
Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh. (Ảnh: Getty Image)
Trước đó, tháng 1.2010, ông Ukhnaagiin Khurelsukh từng thăm Việt Nam trên cương vị Tổng Thư ký đảng Nhân dân Mông Cổ. Ông cũng là người đóng vai trò tích cực thúc đẩy thiết lập khuôn khổ quan hệ mới với Việt Nam khi trên cương vị Phó Thủ tướng và Thủ tướng Mông Cổ.
Chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh và Phu nhân góp phần quan trọng vào tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước; tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển trên nhiều lĩnh vực thực chất hơn, phù hợp với khả năng và nhu cầu của hai bên, đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân mỗi nước, hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Mông Cổ (17.11.1954 - 17.11.2024).
Về phía Việt Nam, việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân mời Tổng thống Mông Cổ và Phu nhân thăm Việt Nam nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng, khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước luôn coi trọng quan hệ, hợp tác hữu nghị với các nước bạn bè truyền thống, mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Mông Cổ phát triển toàn diện, thực chất, thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới.
Sau gần 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục có nhiều biến động. Việt Nam nhất quán coi trọng và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống với Mông Cổ. Còn Mông Cổ rất coi trọng quan hệ với Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác quan trọng nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đón Tổng thống Tsakhiagiin Elbegdorj tại Việt Nam năm 2013. (Ảnh: TTXVN)
Thời gian qua, hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp giữa hai nước được duy trì thường xuyên. Năm 2013, Tổng thống Mông Cổ Tsakhia Elbegdorj đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Năm 2017, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm chính thức Mông Cổ. Năm 2018, Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ Miyegombo Enkhbold và Phu nhân thăm chính thức Việt Nam. Tháng 7.2019, Bộ trưởng Công an Tô Lâm có chuyến thăm và làm việc tại Mông Cổ. Sau đó là 2 chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 11.2019 và tháng 12.2022 của Bộ trưởng Quốc phòng Mông Cổ Nyamaa Enkhbold và Saikhanbayar Gursed. Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang thăm Mông Cổ tháng 10.2023. Cùng với đó, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa hai nước được củng cố và quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực được tăng cường. Đặc biệt, hợp tác trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng luôn là trụ cột quan trọng trong tổng thể quan hệ, hợp tác song phương.
Tại cuộc gặp giữa Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công và Đại sứ Mông Cổ tại Việt Nam Jigjee Sereejav, hai bên cùng nhấn mạnh tiềm năng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Mông Cổ lớn hơn nhiều so với kết quả đã đạt được hiện nay (Ảnh: VCCI)
Về hợp tác kinh tế, hai nước ký Hiệp định về hợp tác thương mại vào năm 1996. Do nhiều nguyên nhân khách quan, nhất là về địa lý và vận tải, hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam và Mông Cổ duy trì ở mức khiêm tốn. Trao đổi ngoại thương những năm 1994-1995 đạt 5-6 triệu USD. Đến năm 2020 đạt khoảng 50 triệu USD, năm 2021 đạt khoảng 80 triệu USD, năm 2022 đạt 85 triệu USD, 8 tháng đầu năm 2023 đạt 76 triệu USD. Trong đó Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các loại hàng nông sản, thực phẩm, đặc biệt là tân dược của Mekopharm, Bidipharm, Hậu Giang, Habaco, thuốc lá Sài Gòn, cà phê G7, phở khô, bia Saigon... Mông Cổ xuất sang Việt Nam chủ yếu là cao ngựa bạch, thảm len lông cừu, các sản phẩm lông dê mịn, các sản phẩm làm từ da...
Hai bên đang nỗ lực mở rộng các mặt hàng hai nước có thế mạnh như các mặt hàng nông, thủy sản, tiêu dùng của Việt Nam và các sản phẩm thịt gia súc, da giày của Mông Cổ.
Về hợp tác trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, hai bên duy trì hợp tác hiệu quả, thực chất và thường xuyên ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Mông Cổ ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO, ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực của HĐBA/LHQ khóa 2008-2009 và 2020-2021, ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng chấp hành UNESCO khóa 2010-2013 và thành viên Liên hợp quốc về Luật Thương mại Quốc tế UNCITRAL nhiệm kỳ 2019-2025, ủng hộ ứng cử viên Việt Nam vào Ủy ban Ranh giới thềm lục địa(CLCS), nhiệm kỳ 2023-2028. Phía Việt Nam ủng hộ Mông Cổ tham gia BCH ECOSOC nhiệm kỳ 2010-2013, sẵn sàng hỗ trợ, giúp Mông Cổ mở rộng quan hệ với các nước ASEAN và gia nhập APEC khi tổ chức này kết nạp thành viên mới.
Nhân dịp tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Thiên Tân, Trung Quốc hồi tháng 6.2023, trong cuộc gặp song phương với Thủ tướng Mông Cổ Oyun-Erdene Luvsannamsrai, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam nhất quán coi trọng và mong muốn tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước; đề nghị hai bên đẩy mạnh các hoạt động trao đổi đoàn cả ở trung ương và địa phương, qua đó tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau; triển khai các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động giao lưu, qua lại lẫn nhau giữa Nhân dân hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp song phương với Thủ tướng Mông Cổ Oyun-Erdene Luvsannamsrai. (Ảnh: Vũ Khuyên)
Trong bối cảnh thế giới và khu vực có biến động, việc tăng cường quan hệ Việt Nam - Mông Cổ có ý nghĩa quan trọng với Nhân dân hai nước. Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng là cầu nối hỗ trợ Mông Cổ mở rộng và tăng cường quan hệ với khối ASEAN vì hòa bình và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.
Đáp lại, Thủ tướng Mông Cổ Oyun-Erdene Luvsannamsrai khẳng định, Mông Cổ tự hào là người bạn của Việt Nam - một dân tộc quả cảm và có tinh thần độc lập cao, một đất nước có vị thế, uy tín quốc tế ngày càng lớn mạnh trong khu vực và trên thế giới và là một trong những đầu tàu kinh tế quan trọng của châu Á.
Thủ tướng Luvsannamsrai đề nghị hai bên cần phát huy vai trò của Ủy ban liên Chính phủ Mông Cổ - Việt Nam và các cơ chế hợp tác giữa hai bên; nhấn mạnh Mông Cổ mong muốn mở rộng và nâng cao hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực: Giao thông vận tải, đường sắt, hàng không và giao lưu nhân dân, du lịch...
Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh lần này, lãnh đạo hai nước sẽ đề ra những định hướng quan trọng cho các hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ hai nước vào năm 2024, cũng như tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước lên tầm cao mới.
Theo PV/VOV.VN