Nâng cao chất lượng xét xử của hội thẩm nhân dân
Đây là vấn đề đặt ra đối với những người “cầm cân nảy mực” tại các phiên tòa. Theo nhận định chung của TAND tỉnh, qua nửa nhiệm kỳ (2011-2016) hội thẩm nhân dân (HTND) 2 cấp, chất lượng xét xử của các HTND đã được nâng lên, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế cần khắc phục.
HTND kiêm nhiệm: khó bố trí thời gian
Từ năm 2011 đến năm 2014, đã có trên 10.700 lượt HTND 2 cấp tham gia xét xử trên 5.350 vụ án các loại, gồm: 1.378 vụ án hình sự, 3.546 vụ án dân sự, hôn nhân - gia đình và 428 vụ án hành chính-kinh doanh thương mại-lao động. HTND đã chủ động tham gia xét xử theo đúng các quy định của pháp luật tố tụng, đặc biệt là các vụ án hình sự lớn, trọng điểm, được dư luận quan tâm. Hình phạt mà hội đồng xét xử sơ thẩm áp dụng đối với các bị cáo về cơ bản đảm bảo tính nghiêm minh, đúng quy định, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, đồng thời đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình hiện nay.
Cũng trong 3 năm qua, HTND đã tham gia tổng cộng 157 phiên tòa xét xử lưu động, qua đó góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho quần chúng nhân dân. Điển hình như phiên tòa lưu động xét xử vụ án Hoàng Ngọc Thịnh (21 tuổi, quê ở Nghệ An) cùng các đồng phạm phạm tội giết người và cướp tài sản tại thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn.
Tuy nhiên, theo TAND tỉnh, một trong những hạn chế khó khắc phục của HTND trong công tác xét xử là một số thành viên không ổn định, thường được điều động công tác hoặc đi học dài hạn nên ảnh hưởng đến công tác xét xử của tòa án. Trong số 250 vị HTND hiện nay, chỉ có 42 vị là cán bộ hưu trí, còn lại đang công tác tại các cơ quan, đoàn thể của tỉnh, huyện, thị xã, thành phố. Do đó, họ bị công việc chuyên môn ở cơ quan, đơn vị chi phối, khó dành nhiều thời gian nghiên cứu các văn bản pháp luật, nghiên cứu hồ sơ trước khi xét xử. Có trường hợp đến sát giờ xử án thì HTND báo không thể dự được vì bận công việc đột xuất nên tòa phải mời người khác đến xử “chữa cháy”. Thậm chí, có hội thẩm trong cả nửa nhiệm kỳ không tham gia xét xử vụ nào hoặc chỉ xử 1-2 vụ. Ông Trương Quốc Dũng, Chánh án TAND TP Quy Nhơn, cho biết thêm, có vị hội thẩm là cán bộ cấp trưởng phòng bận công tác chuyên môn đến mức tòa khó bố trí lịch xử, đến khi vị này sắp xếp thời gian để tham gia được thì phiên tòa lại bị hoãn.
Những nguyên nhân trên phần nào làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử tại tòa án. Việc xem xét đánh giá chứng cứ trong quá trình xét xử các vụ án hình sự còn sai sót dẫn đến việc ra quyết định hình phạt chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm. Trong khi đó, việc đánh giá chứng cứ một số vụ án dân sự cũng còn thiếu khách quan, toàn diện.
Cần nghiên cứu kỹ để tránh oan sai, lọt tội
Tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ 2011-2016 HTND 2 cấp, được tổ chức vào sáng 19.8, ông Đặng Thành Thái, Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết, giải pháp khắc phục để nâng cao chất lượng xét xử cho HTND là ngành tòa án sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức nơi hội thẩm công tác, làm việc, sinh sống và tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy đảng nhằm tạo những điều kiện thuận lợi cho hội thẩm thực hiện nhiệm vụ của mình. TAND tỉnh cũng kiến nghị với HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp chặt chẽ hơn, thường xuyên liên hệ với các đơn vị có hội thẩm để tạo điều kiện cho họ tham gia xét xử.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị này, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Kim Toàn lưu ý: Bởi trong hoạt động xét xử, hội thẩm luôn đảm bảo các nguyên tắc dân chủ, độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, HTND ngang quyền với thẩm phán, nên mỗi hội thẩm cần nghiên cứu kỹ nội dung, hồ sơ vụ án, các quy định pháp luật để đánh giá xem xét các chứng cứ, xác định tội danh, tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự, từ đó mới đưa ra các phán quyết chính xác, đúng quy định pháp luật, tránh oan sai, để lọt tội danh. Phó Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các cấp ủy đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của HTND; đồng thời HĐND và UBND hai cấp tăng cường giám sát công tác xét xử.
THU HÀ