Ðổi mới sách giáo khoa là cần thiết, nhưng…
Dự thảo thông tư mới về lựa chọn sách giáo khoa (SGK) phổ thông được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến rộng rãi cho đến ngày 20.12 được dư luận đặc biệt quan tâm. Bởi, khi được thông qua, thông tư này sẽ thay thế Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT được ban hành trước đó, áp dụng cho bậc tiểu học, THCS, THPT và giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mặt khác, chỉ trong 4 năm thực hiện chương trình SGK mới, đây có thể sẽ là lần thứ 3 thay đổi quy định về lựa chọn SGK.
Học sinh và phụ huynh học sinh chọn mua SGK tại một nhà sách ở TP Quy Nhơn. Ảnh: M.H
Trong dự thảo, Bộ GD&ĐT đưa ra 3 nguyên tắc lựa chọn SGK. Trong đó, trọng điểm là quy định mỗi trường học sẽ thành lập hội đồng lựa chọn SGK. Tổ trưởng tổ chuyên môn tổ chức họp với các giáo viên môn học để thảo luận, bỏ phiếu lựa chọn một SGK cho môn học đó. Sau khi lựa chọn SGK, các cơ sở giáo dục phổ thông lập hồ sơ lựa chọn sách gửi về phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT. Căn cứ vào kết quả của các trường do sở GD&ĐT trình, UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục lựa chọn SGK của các trường tại địa phương.
Điều này khác với Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT đang được áp dụng, hội đồng chọn SGK do UBND tỉnh thành lập và mỗi môn ở một cấp học là một hội đồng, các trường đóng góp ý kiến về SGK.
Hiện, Sở GD&ĐT đang triển khai cho các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh tham gia đóng góp ý kiến dự thảo. Chưa có tổng hợp ý kiến đóng góp, song ghi nhận của chúng tôi từ một số “người trong cuộc” là ban giám hiệu, giáo viên cho thấy, theo quy định chọn sách đã thực hiện theo Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT, giáo viên và phụ huynh cũng được lấy ý kiến, song ý kiến từ các trường vẫn phải gửi về hội đồng chọn sách cấp tỉnh để đánh giá, lựa chọn. Do đó, với dự thảo mới, việc trao quyền chọn SGK cho nhà trường là đúng và phù hợp.
Ngược lại, cũng có luồng ý kiến cho rằng việc chọn SGK như thời gian qua ổn hơn nếu làm đúng theo quy trình, công khai, minh bạch và thực chất. Trong khi theo dự thảo thông tư mới, đòi hỏi nhà trường phải xây dựng cho được một đội ngũ giáo viên đủ năng lực thẩm định, lựa chọn SGK, điều này không hề đơn giản với tất cả các trường.
Việc lựa chọn SGK mới thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới là câu chuyện gây nhiều tranh luận từ 4 năm nay, bởi chủ trương đổi mới của giáo dục là cần thiết, nhưng việc thực thi trong lựa chọn SGK cần tính toán hợp lý để vừa đảm bảo chương trình đào tạo, vừa phát huy được tinh thần sáng tạo, chủ động của giáo viên và học sinh. Do vậy, rất cần thiết nhận được những ý kiến đóng góp tâm huyết, thiết thực để đảm bảo SGK cũng phải có sự ổn định nhất định, không thể thay đổi thường xuyên, đồng thời tránh những bất cập có thể xảy ra trong chọn sách như thời gian qua.
HOÀNG ANH