Quốc hội thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, sáng 1.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021-2025; kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH…
Các đại biểu (ĐB) Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nhiều thảo luận, đề xuất xung quanh các vấn đề phát triển KT-XH.
Hãy để bệnh viện được có quyền và chịu trách nhiệm về các quyết định đấu thầu vật tư y tế
ĐB Nguyễn Lân Hiếu đã tranh luận với ý kiến của ĐB Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) về sự chậm trễ trong việc cung ứng thuốc thời gian vừa qua.
Theo ĐB Hiếu, hiện nay, thuốc được chia thành 2 nhóm: Nhóm brand name (chính hãng) và nhóm các hàng generic. Việc đấu thầu mua thuốc đã được cải thiện rất nhiều; chúng ta đã mua được thuốc tốt và những thuốc phổ thông.
Tuy nhiên, việc mua bán vật tư tiêu hao y tế lại vô cùng rối. Nguyên nhân khách quan là có quá nhiều quy định về pháp luật liên quan đến lĩnh vực nhạy cảm này, rất khó để đưa ra quyết định mua sắm, đáp ứng đầy đủ các quy định của nhiều bộ, ngành khác nhau.
Bệnh viện ĐH Y Hà Nội thuộc nhóm trực thuộc Bộ Y tế, được phân cấp mạnh. Thủ trưởng đơn vị được tự phê duyệt và chịu trách nhiệm. Do đó, bệnh viện không bị thiếu dụng cụ, thuốc men. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là không thể mua được hàng chất lượng tốt và phát triển một kỹ thuật mới.
Rất nhiều hàng chất lượng không tốt đã vượt qua “khe cửa hẹp” để trúng thầu với giá rẻ. Có những hãng sẵn sàng in, sửa lại catalogue để đáp ứng yêu cầu đưa vào danh sách đấu thầu.
“Chính vì vậy, tôi nhận thấy cần đẩy mạnh tiêu chí bảo hành, chuyển giao kỹ thuật, phân nhóm. Chỉ có hãng chất lượng tốt mới chấp nhận bảo hành, bảo trì lên đến 5 năm, kèm theo các điều khoản đào tạo, chuyển giao. Nếu các tiêu chí này được pháp luật khuyến khích và có các văn bản hướng dẫn cụ thể sẽ giúp ích rất nhiều cho ngành Y tế”, ĐB Hiếu kiến nghị.
Ngoài ra, nhiều năm nay, việc cấp phép nhập khẩu, cho phép sử dụng các dụng cụ mới tại Việt Nam đều bế tắc. Bản thân ĐB Hiếu vẫn phải đưa bệnh nhân sang nước ngoài để chữa bệnh vì các dụng cụ nhập khẩu không dễ dàng vào Việt Nam. Các hãng lớn nhìn thấy các quy định về thủ tục, thời gian trung bình để cấp phép đều lắc đầu ngao ngán. Có những công ty không định hướng phát triển, thậm chí rút khỏi thị trường Việt Nam.
Đối với bệnh viện tỉnh thì khó khăn càng nhiều hơn vì quá nhiều khâu phê duyệt, kiểm tra. Việc mua sắm phụ thuộc vào Sở Y tế, Sở Tài chính, UBND tỉnh; sợ trách nhiệm dẫn đến tâm lý trì hoãn, hồ sơ để trên bàn không đọc, gần hết hạn thì tìm ra vài lỗi nhỏ để trả về cơ sở, sửa xong nộp lại tìm thấy một lỗi khác. Cứ vậy, hết thời gian quy định thẩm định, mọi việc lại trở về “vạch số không”, cuối cùng không có hàng để sử dụng cho người bệnh.
“Tôi đề xuất hãy giao trách nhiệm chính cho những người sử dụng sản phẩm đấu thầu, giao cho bệnh viện quyền và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trước bệnh nhân và pháp luật”, ĐB Hiếu nhấn mạnh.
Tiếp tục nghiên cứu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động
ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy tham gia thảo luận các khó khăn về lao động, việc làm và những tác động, hệ lụy.
ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy đề nghị tiếp tục nghiên cứu chính sách hỗ trợ DN, người lao động. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Thứ nhất, theo báo cáo, số DN giải thể, phá sản, rút lui khỏi thị trường là 135 nghìn DN, thấp hơn tổng số 165 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại. Tuy nhiên, trong tổng số DN thành lập mới lại giảm về số vốn đăng ký là 14,6% và giảm 1,2% về số lao động.
Bên cạnh đó, các DN rút lui khỏi thị trường tập trung vào các lĩnh vực có số đông lao động và người phụ thuộc nhiều như: điện thoại và linh kiện, giầy dép, dệt may, đồ gỗ. Người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp. Số lao động đang làm việc trong các DN công nghiệp tại thời điểm 1.9.2023 giảm 1,9% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy số DN đang tăng về cơ học, tuy nhiên, vấn đề lao động, giải quyết việc làm còn khó khăn, thị trường lao độngchưa ổn định, bền vững.
Thứ hai, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) quý III/2023 là 7,8%; trong đó tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,3%; khu vực nông thôn là 6,6%.
Đồng tình với ý kiến của một ĐB về những nguyên nhân, hệ quả liên quan đến vấn đề thất nghiệp của thanh niên, ĐB Thủy nhấn mạnh thêm:Mặc dù các chỉ số đều giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên, lực lượng lao động trẻ, lao động nữ mất việc, thất nghiệp tại khu vực thành thị lại khó khăn và chịu tác động lớn hơn khu vực nông thôn.Lao động tại khu vực thành thị hầu như tham gia làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ, các DN, khu công nghiệp và đây cũng là những ngành nghề chịu tác động lớn trong thời điểm ảnh hưởng dịch Covid-19. Lượng người mất việc làm hầu hết là lao động trẻ, trụ cột chính của gia đình, những người dân xa quê và có nhiều người thân sống phụ thuộc vào chính bản thân họ… sẽ tác động tiêu cực về mặt xã hội, là một phần nguyên nhân của tệ nạn xã hội, ly hôn trong các gia đình trẻ, bạo lực gia đình…
Thứ ba, sự dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ và ngược lại có sự hoán chuyển rõ. Trước dịch Covid-19, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp giảm dần qua từng năm. Cụ thể, tỷ trọng lao động trong nông nghiệp giảm từ 62,7% (năm 2001) xuống còn 27,6% (năm 2022). Tuy nhiên, trong đại dịch Covid-19, lao động trong ngành này lại tăng lên từ 28,3% (năm 2020) lên 29% (năm 2021) do giãn cách xã hội nên người lao động quay trở về quê tìm việc. Với lực lượng lao động chuyển dịch này, thì hầu như trong suy nghĩ chỉ là dịch chuyển lao động về khu vực nông thôn chỉ là tạm thời mang tính thời điểm, vì khi dịch được kiểm soát họ sẽ quay trở lại thành phố để làm việc.
Từ các lý do như trên, ĐB Thủy đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành cần tiếp tục đánh giá các gói hỗ trợ cho người dân, DN phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Qua đó, cần tiếp tục nghiên cứu chính sách giảm thuế, giãn nợ, bù đắp chi phí cho các DN, giãn khoản đóng góp cho DN như thuế; cho DN vay trả lương; chính sách hỗ trợ người lao động thuê nhà, tăng cường gói tín dụng cho tiêu dùng, kích cầu tiêu dùng, thực hiện hiệu quả các chính sách giải quyết việc làm, nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH thực hiện chương trình tín dụng đào tạo nghề cho người lao động…
Bên cạnh đó, cần đánh giá kỹ hơn số liệu DN thành lập mới cũng như DN xin tạm ngừng hoạt động, cụ thể tỷ lệ DN thành lập mới so với tỷ lệ số DN tạm ngừng hoạt động, trong đó DN giải quyết việc làm cho đông lao động xem là quan trọng nhất, khả năng đóng góp cho ngân sách để từ đó có giải pháp cụ thể hơn trong đào tạo, ngành nghề đào tạo hợp lý, hỗ trợ lao động trong tìm kiếm việc làm phù hợp.
“Tôi đề nghị chúng ta đánh giá sâu hơn tác động của giãn việc làm, mất việc làm, thất nghiệp, giải quyết lực lượng lao động thất nghiệp nhất là những ngành có lực lượng lao động lớn, lao động trẻ… như dệt may, da giày”, ĐB Thủy nói.
Để phát huy 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, trong đó thực hiện hiệu quả đề án đào tạo nghề, chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm cho người lao động tại các tiểu dự án và nội dung thành phần thuộc chương trình, ĐB Thủy đề nghị trong quá trình thực hiện dự án thành phần cần đa dạng về loại hình, hợp lý về cơ cấu ngành nghề; đa dạng hóa phương thức tổ chức quá trình dạy học nhằm thu hút lao động trẻ tham gia học tập; tăng cường liên kết các DN với cơ sở giáo dục, đào tạo nghề, trong đào tạo và sử dụng lao động được đào tạo, chuyển dần lao động phi chính thức tại địa phương và lao động dịch chuyển về nông thôn do dịch… sang lao động chính thức.
Mặt khác, cần tăng cường chính sách hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, hộ nghèo, đặc biệt hộ mới thoát nghèo… để họ tham gia vào thị trường lao động, có việc làm bền vững.
NGUYỄN MUỘI