Ngư dân “trúng” cá ngừ sọc dưa
Sau chuyến biển kéo dài từ 15 - 20 ngày, nhiều tàu lưới vây của ngư dân Bình Ðịnh tấp nập cập cảng cá Quy Nhơn để bán sản phẩm. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của mỗi ngư dân khi “trúng” cá ngừ sọc dưa.
Chiều 25.10, tàu cá BĐ 91052-TS hành nghề lưới vây của ngư dân Phan Thanh Trưởng (phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng, trở về cập cảng cá Quy Nhơn sau nửa tháng khai thác thủy sản (KTTS) ngoài khơi xa. Nụ cười tươi hiện rõ trên khuôn mặt chủ tàu đến từng thuyền viên khi trúng đậm “lộc biển” với hơn 32 tấn cá ngừ sọc dưa.
Anh Trưởng chia sẻ: “Tàu về bờ để bán cá và bốc tổn đi ngay. Bởi ngư trường còn rất nhiều cá, có tàu cò (tàu mồi, tàu môi giới) đang giữ điểm KTTS để chờ tàu tôi quay lại đánh bắt cùng ăn chia lợi nhuận. Năm nay, cá ngừ sọc dưa xuất hiện dày, giá cao hơn so với mọi năm, ngư dân làm nghề lưới vây rất phấn khởi khi trúng mùa. Chuyến này, tàu tôi đánh 8 chỗ lưới được hơn 32 tấn cá ngừ, sau khi trừ tổn phí mỗi phần bạn thu nhập 15 triệu đồng/người”.
Tàu cá BĐ 98880-TS làm nghề lưới vây ánh sáng của ngư dân Huỳnh Hữu Tài (phường Hoài Thanh, TX Hoài Nhơn) đạt sản lượng gần 36 tấn cá ngừ sọc dưa vào cập cảng cá Quy Nhơn bán sản phẩm; chuyến biển trước đó tàu anh cũng “trúng” 48 tấn cá ngừ sọc dưa. Anh Tài cho biết: “Mùa trăng trước, cá bán sô theo cân nặng từ 3 lạng trở lên có giá 31.000 - 32.000 đồng/kg, thì trăng này giá giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg, còn 29.000 - 30.000 đồng/kg. Mặc dù giá dầu tăng, nhưng bù lại biển được mùa, được giá nên anh em thuyền viên đều có thu nhập khá. Hai mùa trăng liên tiếp, mỗi bạn tàu của tôi thu nhập từ 20 triệu đồng trở lên, ai nấy đều phấn khởi”.
Tàu lưới vây cập cảng cá Quy Nhơn bán cá ngừ sọc dưa. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Nhiều tàu cá làm các loại nghề khác, như: Mành chụp, lưới rê, câu cá ngừ đại dương...mặc dù đánh bắt không đạt sản lượng cao, nhưng cũng thu đủ bù chi. Ngư dân Lê Văn Thường, ở xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu màn chụp BĐ 97186-TS, chia sẻ: “Chuyến biển này, tàu tôi đi hai đợt đánh bắt được 40 tấn cá bò da, cập cảng cá Phú Hài (tỉnh Bình Thuận) và Cà Ná (tỉnh Ninh Thuận) bán sản phẩm. Đánh bắt được sản lượng lớn cá bò da loại nhỏ, nhưng giá bán không cao lắm, mỗi phần bạn được chia 5 - 7 triệu đồng/người, cơ bản làm cũng đủ tổn. Tôi cho tàu về cảng cá Quy Nhơn để bốc tổn đi tiếp, hy vọng chuyến biển tới sẽ khả quan hơn”.
Theo ngư dân, thời tiết đã chuyển sang mùa Đông, cũng là mùa cá ngừ sọc dưa xuất hiện dày tại vùng biển khơi. “Ngư dân làm nghề lưới vây bám biển đánh bắt đạt sản lượng khá hơn mọi năm, mùa này cũng là vụ chính đánh bắt cá ngừ sọc dưa, nhưng thời điểm này thời tiết có nhiều biến động, do vậy chúng tôi đi biển phải theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tuân thủ các khuyến cáo của ngành chức năng về chống khai thác IUU, đảm bảo an toàn tàu cá khi hoạt động trên biển”, ngư dân Phan Thanh Trưởng tâm tình.
Ngành chức năng cũng tăng cường các giải pháp quản lý đội tàu của tỉnh. Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban quản lý cảng cá Bình Định (Sở NN&PTNT) - phụ trách cảng cá Quy Nhơn, cho biết: “Chúng tôi giám sát quản lý tàu cá xuất, nhập cảng; sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng theo quy định. Việc tiếp nhận, nhập dữ liệu thông tin tàu cá xuất, nhập cảng, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác thực hiện nhanh, chuẩn xác tạo thuận lợi cho ngư dân vươn khơi bám biển”.
Theo ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), cùng với công tác tuyên truyền Luật thủy sản, Chi cục chú trọng kiểm tra, kiểm soát tàu cá; thực hiện chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác. Tăng cường cán bộ túc trực 24/24 giờ tại Trạm bờ để theo dõi, liên lạc với ngư dân KTTS tại các ngư trường vùng khơi, thông báo tình hình diễn biến thời tiết cho ngư dân biết để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn khi KTTS trên biển.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN