Thêm thu nhập với nghề đan lưới
Gắn bó với nghề đan lưới từ lúc 14 tuổi, chị Trần Thị Nguyệt (SN 1977, ở xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn) coi đây là thu nhập chính cho kinh tế gia đình. Chị Nguyệt chia sẻ: Tôi học đan lưới từ mẹ, nhờ nghề này tôi đã vững vàng nuôi 4 con ăn học. Về sau, công việc thuận lợi hơn, có nhiều khách hàng, tôi mở rộng quy mô và khoán cho một số người quen cùng làm. Vì tôi làm lâu nên có lượng khách hàng nhất định, hơn nữa, lưới mình được đánh giá cao ở độ bền chắc nên khách hàng ngày càng nhiều.
Bằng hình thức khoán sản phẩm, chị Nguyệt chia công đoạn cho các thợ đan lưới làm ở nhà như gắn chì, kết phao... Theo chị Nguyệt, người nhận sản phẩm về nhà có thể vừa làm công việc nhà, vừa tranh thủ thời gian rảnh đan lưới kiếm thêm thu nhập. Đa phần người nhận làm công việc này là phụ nữ đã có gia đình hoặc người đã lớn tuổi. Hiện tại, chị đang khoán công đoạn cho gần 15 người. Thu nhập trung bình mỗi người khoảng 100 - 150 nghìn đồng/ngày. Người dành nhiều thời gian hơn, quen việc, tiền công khoảng hơn 300 nghìn đồng/ngày.
Nghề đan lưới đánh bắt cá giúp một số người dân ở xã Nhơn Phúc có thêm thu nhập. Ảnh: KIỀU VY
Nhờ đơn hàng có quanh năm nên những người làm nghề đan lưới có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định. Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ, một số công đoạn như dệt lưới đã được người dân thay thế bằng máy. Song các công đoạn như kết phao, gắn chì vẫn phải làm bằng tay.
Chị Trần Thị Liễu (thôn Mỹ Thạnh, xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn) là một trong số những người nhận hàng của chị Nguyệt về nhà làm. Đôi tay thạo việc, thoăn thoắt dùng ghim thắt chặt đầu phao vào lưới, chị Liễu tâm sự: “Thu nhập từ nghề đan lưới tuy không cao nhưng ổn định, đủ để trang trải sinh hoạt của gia đình. Hiện tại, 2 con tôi đã lớn nên có thể tự lo cho bản thân. Tôi chọn công việc thoải mái để tiện trông nom nhà cửa. Thu nhập trung bình mỗi tháng khoảng 3 - 4 triệu đồng”.
KIỀU VY