Đảm bảo nguyên tắc của bảo hiểm là đóng - hưởng và chia sẻ
Tiếp tục phiên thảo luận tổ về dự án Luật BHXH (sửa đổi) vào chiều 2.11, các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định tham gia tích cực với nhiều ý kiến xác đáng.
Giảm tuổi nghỉ hưu thì phải tăng mức đóng
Tham gia thảo luận, đại biểu (ĐB) Hồ Đức Phớc băn khoăn về nội dung 15 năm đóng BHXH và nghỉ hưu. Theo ĐB, khi giảm tuổi nghỉ hưu thì phải tăng mức đóng, bởi nguyên tắc của bảo hiểm là đóng - hưởng và chia sẻ. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu lại nội dung này.
ĐB Hồ Đức Phớc cho rằng khi giảm tuổi nghỉ hưu thì phải tăng mức đóng. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Về nội dung mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (Điều 3), đã bổ sung đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. ĐB Phớc đề nghị nghiên cứu, bổ sung lực lượng theo quy định từ Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Về nội dung bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện, ĐB Phớc đề nghị nguồn kinh phí để thực hiện chính sách không sử dụng ngân sách, mà sử dụng Quỹ BHXH để thực hiện theo nguyên tắc là đóng - hưởng.
Hiện nay, ĐB Hồ Đức Phớc là Chủ tịch Hội đồng quản lý BHXH quốc gia. Sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, vị trí này sẽ do đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách, điều hành. ĐB Phớc chia sẻ: “Đối với danh mục đầu tư, Hội đồng quản lý BHXH quốc gia rất thận trọng. Một là đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, đảm bảo độ chắc chắn, hỗ trợ được cho ngân sách, cho chính sách tài khóa nhưng lãi suất không cao. Hai là gửi ở các ngân hàng thương mại (4 ngân hàng thương mại Nhà nước lớn nhất) để đảm bảo độ an toàn”.
Về nội dung rút BHXH một lần, vấn đề đặt ra là cơ sở nào để người lao động được rút 50%? Theo ĐB Phớc, cần căn cứ vào khả năng đóng. Phần của DN đóng cho người lao động là của người lao động nhưng vẫn để đấy để sau này nối tiếp lương hưu.
Cũng theo ĐB Phớc, trong cơ cấu 26% phải đóng BHXH, có 8% là người lao động đóng, còn lại 18% là DN đóng cho người lao động (3% vào quỹ ốm đau và thai sản, 1% vào quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất). Theo cơ sở này, nên giữ lại 14% mà DN đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho người lao động, 12% còn lại thì người lao động được rút ra. Như vậy, sẽ tương ứng với được rút ra khoảng 46% (gồm quỹ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp); còn khoản đóng vào quỹ hưu trí mà DN đóng cho người lao động thì giữ lại để sau này khi tiếp tục tham gia BHXH, người lao động được hưởng chế độ hưu trí.
“Thêm nữa, cần đặt ra nội dung trong thời hạn bao nhiêu năm nếu người lao động không quay trở lại đóng BHXH nữa thì cho họ rút hết”, ĐB đề xuất.
Cuối cùng, về Điều 131 - Trách nhiệm của Bộ Tài chính, ĐB Phớc cho rằng quy định Bộ Tài chính là cơ quan thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, rồi thống kê, thông tin về bảo hiểm hưu trí… là rất vô lý. Bởi việc quản lý hưu trí, quản lý lao động thuộc về Bộ LĐ-TB&XH.
Tránh chồng chéo nội dung giữa các luật
Theo Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có nhiều nội dung liên quan đến các luật khác. Theo Luật Người cao tuổi, người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng. ĐB Hạnh bày tỏ đồng tình với nội dung “điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách” trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).
Theo ĐB Lý Tiết Hạnh, Luật BHXH được sửa đổi cần đảm bảo tương thích với các quy định từ các luật khác. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Tuy nhiên, với nội dung “công dân từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, không có trợ cấp BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác, thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo” chưa thể hiện rõ quyền lợi của từng đối tượng.
Mặt khác, một số nội dung của Luật BHXH hiện hành có liên quan đến Luật BHYT, nhất là về thanh toán BHYT trong thực tế vẫn còn nhiều quy định chồng chéo. Trong khi Luật BHYT vẫn giữ nguyên, Luật BHXH được sửa đổi thì phải đối chiếu để đảm bảo tương thích với các quy định từ Luật BHYT.
ĐB Hạnh cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thêm các nội dung về đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHXH khi DN bị phá sản, mức chênh lệch giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện trong quy định chế độ thai sản.
MAI LÂM - NGUYỄN MUỘI