Bổ sung các chính sách ưu việt để hạn chế rút BHXH một lần
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, chiều ngày 2.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật BHXH (sửa đổi).
Cân nhắc chế tài xử lý chủ hộ kinh doanh tự đóng BHXH khi vi phạm
Tham gia thảo luận, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Lê Kim Toàn nhận thấy dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung một số chính sách rất ưu việt đối với người tham gia BHXH.
Thứ nhất là bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội đối với công dân Việt Nam từ 75 tuổi trở lên; nếu đối tượng chưa được hưởng trợ cấp hưu trí, trợ cấp xã hội nào khác thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng. Đây là chính sách rất ưu việt.
Thứ hai là giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm để được hưởng trợ cấp hưu trí (hướng tới chỉ còn 10 năm). Như vậy, thời gian đóng bảo hiểm của người tham gia BHXH rút ngắn hơn so với trước đây, tạo điều kiện cho người tham gia BHXH được hưởng các chính sách theo quy định.
Thứ ba là bổ sung quy định người tham gia BHXH đủ thời gian đóng nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu vẫn được hưởng trợ cấp hằng tháng cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu (hoặc đủ 75 tuổi để hưởng trợ cấp hưu trí).
Bên cạnh đó, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) còn bổ sung nhiều quy định cụ thể đối với người tham gia BHXH để tăng quyền lợi của họ. ĐB rất đồng tình và ủng hộ những quy định bổ sung này.
Tuy nhiên, ĐB Toàn cũng nhận thấy cần cân nhắc kỹ đối với một số nội dung, quy định.
Trước hết là về 5 đối tượng bổ sung tham gia BHXH bắt buộc. Đối với chủ hộ kinh doanh, trong dự thảo sửa luật đổi lần này chỉ quy định là chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh. Vậy còn chủ hộ kinh doanh không thuộc diện quy định phải đăng ký kinh doanh thì có quy định bắt buộc tham gia BHXH không? Nếu không quy định thì tại sao không?
Đối với chủ hộ kinh doanh không sử dụng lao động, tức họ tự đóng BHXH cho chính mình, bên cạnh trách nhiệm đóng BHXH cho bản thân, các chế tài xử lý trường hợp trốn đóng, chậm đóng (như cưỡng chế hóa đơn, thu hồi giấy phép, hoãn xuất cảnh, khởi tố…) nếu áp dụng đối với họ thì e là không thuyết phục. Vì những chế tài này áp dụng đối với người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHXH cho người lao động theo hợp đồng mà trốn đóng, chiếm đoạt, chiếm dụng, chậm đóng là ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác. Còn chủ hộ kinh doanh đóng cho chính mình, chậm đóng vì một lý do nào đó mà áp dụng các chế tài này thì không khéo từ một chính sách nhân văn lại trở nên “làm khó” cho họ.
Kế tiếp là đối với lao động linh hoạt, không trọn thời gian. “Trong thực tế cuộc sống, có người lao động bán thời gian, khi người sử dụng lao động có việc gì cần thì thuê theo giờ và thanh toán trực tiếp theo thỏa thuận của đôi bên. Việc bổ sung đối tượng này vào nhóm tham gia BHXH bắt buộc thì sự ràng buộc và chế tài đối với các đối tượng này như thế nào? Theo tôi cần tiếp tục nghiên cứu thêm”, ĐB Toàn nói.
Đảm bảo quyền lợi khi người lao động rút BHXH một lần
Về BHXH một lần, đây là vấn đề được nhiều người quan tâm, đặc biệt là người lao động. Dự thảo đưa ra hai phương án. Phương án một: Đối tượng trước khi Luật sửa đổi có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện, được rút một lần. Phương án hai: Đối tượng tham gia BHXH sau khi Luật sửa đổi có hiệu lực thì khi rút chỉ được rút 50%, để lại 50%.
Trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, có thêm một phương án thứ ba là kết hợp giữa hai phương án trên. Theo ĐB Toàn, cả 3 phương án đều còn nhiều điểm băn khoăn.
Với phương án một, một đối tượng tham gia BHXH nhưng lại hai chính sách khác nhau, không nhất quán thì không nên. Với phương án chia ra rút 50%, 30% hay 70%... thì cơ sở nào đưa ra quy định này?
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn cho rằng các phương án cho người lao động rút BHXH một lần đều còn nhiều điểm băn khoăn. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Nghị quyết của Trung ương xác định: Phải tăng quyền lợi cho người tham gia BHXH và giảm quyền lợi khi họ rút BHXH một lần nhằm hạn chế việc rút BHXH một lần. Đây là chính sách ưu việt. Người lao động tham gia BHXH đóng 1 đồng thì họ sẽ được hưởng các quyền lợi thỏa đáng nhiều hơn 1 đồng ấy. Nếu họ rút BHXH một lần thì quyền lợi giảm đi chứ không đồng nghĩa là đóng 1 đồng, đến khi rút chỉ cho họ rút có nửa đồng để họ đừng rút.
“Quan điểm của Trung ương là người lao động đóng BHXH cảm thấy có lợi hơn khi tham gia; khi họ rút BHXH một lần thì quyền lợi của họ sẽ bị ảnh hưởng cho nên họ không rút. Như vậy, tôi đề nghị bổ sung thêm các chính sách ưu việt hơn nữa như một số ĐB đã đề xuất”, ĐB Toàn nói.
ĐB Toàn đề xuất, khi người lao động rút BHXH một lần, họ được rút phần chính mình đã đóng. Còn phần do cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động đóng vẫn là của người lao động, nhưng giữ lại cho chính họ (không phải giữ cho Quỹ BHXH, cho Nhà nước, cũng không phải giữ cho người sử dụng lao động). Mục đích là khi người lao động quay trở lại tham gia BHXH, đã có sẵn một “khoản để dành”, từ đó giúp họ có cuộc sống ổn định hơn sau khi hết tuổi lao động.
Về khía cạnh khác, ĐB Toàn nhận thấy chi phí quản lý BHXH được cấu thành bởi dự toán thu chi (trích ra từ tiền đóng của người tham gia BHXH và tỷ lệ phần trăm của phần sinh lời do đầu tư từ Quỹ BHXH).
“Quỹ BHXH là quỹ an sinh xã hội, nên chăng Nhà nước cân đối một phần kinh phí cho công tác quản lý quỹ nhằm thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với công tác quản lý quỹ, để giảm tỷ lệ trích phần trăm từ tiền đóng của người lao động và người sử dụng lao động. Đồng thời, tăng tỷ lệ sử dụng tiền sinh lời từ việc đầu tư từ quỹ để giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ trích từ tiền đóng BHXH của người lao động và người sử dụng lao động cho công tác quản lý quỹ”, ĐB đề xuất.
NGUYỄN MUỘI