Quyết đi đến cùng với nghề nuôi tôm
Hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi tôm, ông Nguyễn Văn Quốc (SN 1969, ở thôn Xuân Bình, xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ) đi qua nhiều thăng trầm, nếm đủ thành công lẫn thất bại. Người nông dân lớn tuổi vẫn cười hiền khẳng định: Mình chọn nghề nên quyết đi đến cùng với nó.
Phát triển vững chắc
Xuất phát điểm là nông dân, gắn bó với nghiệp đi biển, nhận thấy tiềm năng của việc nuôi trồng thủy hải sản, ông Quốc quyết định chuyển đổi nghề nghiệp, mạnh dạn xây dựng hồ nuôi tôm. Theo thời gian, quy mô các hồ của ông ngày càng được mở rộng...
* Để đạt kết quả như hiện tại, chắc hẳn, hồ nuôi tôm của ông đã không ít lần được “nâng cấp”...
- Thật lòng mà nói, mỗi lần mở rộng quy mô hồ, tôi đắn đo rất nhiều vì sợ mình chưa chuẩn bị đủ kỹ lưỡng. Vậy nên, tôi lân la hỏi thăm nhiều nguồn, xin lời khuyên từ những người giàu kinh nghiệm để thêm vững tin. Những dấu mốc phát triển từ đó luôn in đậm trong trí nhớ của tôi.
Năm 1990 trở về trước, gia đình tôi chỉ có chiếc thuyền nhỏ khai thác hải sản gần bờ, thu nhập đủ sống qua ngày. Năm 1998, nhờ Đảng và Nhà nước có chủ trương cho vay vốn để nuôi trồng thủy sản, tôi đã bàn với gia đình mạnh dạn vay vốn chuyển đổi nghề để đầu tư nuôi tôm trên cát.
Khởi đầu từ số vốn tích góp 350 triệu đồng, vợ chồng tôi mượn của người thân và vay thêm của Ngân hàng NN&PTNT 300 triệu đồng, mạnh dạn đầu tư xây dựng 3.000 m2 hồ nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, vụ đầu đem lại thu nhập 100 triệu đồng.
Qua hai năm, nhờ nuôi tôm, gia đình trả hết nợ, tôi quyết định mở rộng diện tích ao nuôi đến 5.000 m2. Gần 10 năm liền (2002 - 2012), tiền lãi từ việc nuôi tôm của gia đình khoảng 500 - 800 triệu đồng/năm. Riêng năm 2022, gia đình tôi lãi trên 1,5 tỷ đồng.
* Quay trở lại thời điểm mới khởi nghiệp, khái niệm “nuôi tôm trên cát” có lẽ rất mới mẻ với ông?
- Không chỉ tôi mà tất cả người dân ở địa phương đều “mù tịt” về khái niệm này cho đến khi được giới thiệu. Do vậy, không ít người ngờ vực về tính khả thi của mô hình. Riêng tôi, dù “bán tín bán nghi” nhưng khi được cán bộ của Sở Thủy sản (nay là Sở NN&PTNT) cung cấp thông tin và động viên, tôi quyết định làm thử.
Quyết tâm là thế nhưng khi bắt tay vào làm, mới nhận ra thực tế khác nhiều so với lý thuyết, khó khăn cũng nhiều hơn. Ngày ấy chưa có máy móc, công nghệ hiện đại, chúng tôi phải tự làm mọi thứ. Riêng việc đào hồ cũng mất 4 - 5 tháng ròng vì địa hình phức tạp hay trải bạt, vệ sinh hồ cũng mất nhiều thời gian, công sức hơn hiện tại.
Tuy vậy, chính nhờ “nuôi tôm trên cát” còn rất mới nên tôi có cơ hội học hỏi kiến thức, cẩn thận hơn khi làm, không hề chủ quan. Nhờ đó, tôi “bỏ túi” nhiều kinh nghiệm từ thực tế công việc, thói quen cẩn thận, kỹ lưỡng giúp ích cho tôi rất nhiều.
Ông Quốc (phải) trao đổi tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao với cán bộ Hội Nông dân xã Mỹ An. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Thành công từ kiên định, mạo hiểm
Vào nghề từ năm 2000, để bám trụ và phát triển được đến hiện tại, ông Quốc không ngừng cập nhật, tích lũy kiến thức và linh hoạt trong cách làm. Suốt quá trình ấy, ông Quốc kiên định với lập trường của mình, chấp nhận mạo hiểm để có cơ hội thành công.
* Trước sự thay đổi liên tục của thị trường, đâu là yếu tố để ông có thể đứng vững suốt chừng ấy năm?
- Trước hết là chịu khó học hỏi với thái độ cởi mở. Để sẵn sàng khởi nghiệp, tôi đã dành nhiều tháng cho việc tham khảo, học tập kinh nghiệm tại các mô hình thành công nhiều nơi trong và ngoài tỉnh; tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về nuôi trồng thủy sản do các cấp tổ chức. Tích lũy như vậy đến đầu năm 2000 tôi quyết định bắt tay vào làm.
Cùng với đó, tôi hiểu được quy luật tất yếu rằng, tình hình kinh doanh phải có lúc lên lúc xuống, không thể luôn phát đạt mà phải có lúc đối mặt với khó khăn. Ngoài ra, tôi sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm để có cơ hội thành công. Mạo hiểm nhưng không phải là cầu âu, vu vơ mà có tính toán, cân nhắc.
Còn một yếu tố khác, tôi cố gắng chủ động kinh tế bằng cách đa dạng hóa nguồn thu nhập. Đây là cách giúp tôi ổn định tài chính, chăm lo cho gia đình, giảm bớt áp lực trước mỗi lần vào vụ tôm mới.
* Trong suốt quá trình ấy, đâu là thời điểm khó khăn nhất với ông?
- Với tính chất dễ nuôi, dễ chăm sóc, phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng trong khoảng thời gian này đã phát triển đến mức cực đại tại các địa phương ven biển huyện Phù Mỹ. Tuy nhiên, sự phát triển quá “nóng” về diện tích ao nuôi cộng với sự chủ quan, không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật chăm sóc, lạm dụng hóa chất... của người nuôi nên tôm thường xảy ra dịch bệnh, càng nuôi càng lỗ, do đó nhiều người không dám nuôi tiếp.
Đáng nhớ nhất có lẽ là vào năm 2012. Khi đó, dịch bệnh liên tục khiến mỗi lần xuống giống, tôm không đạt như kỳ vọng, cộng với thị trường nhiều biến động khiến gia đình tôi thua lỗ. Vậy nên, đã có lúc tôi muốn đổi việc nhưng đến cuối cùng, vẫn cứ thấy nhớ hồ, nhớ tôm. Thế là tôi bon bon lái xe đến thăm hồ, tự xốc lại tinh thần để tiếp tục cố gắng.
Ông Quốc (phải) đưa cán bộ Hội Nông dân xã Mỹ An đến thăm trang trại nuôi tôm vào ngày 27.10. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Sẵn lòng sẻ chia
Là người dày dặn kinh nghiệm trong nghề, ông Quốc không ngần ngại chia sẻ kiến thức mình học được cho những nông dân trẻ tuổi. Song song với đó, ông còn hỗ trợ vốn cho những hộ khó khăn, tạo việc làm cho người lao động ở địa phương.
* Chứng kiến sự thành công của ông, những đồng nghiệp trẻ tuổi, nông dân cùng xã có ngỏ ý nhờ ông chia sẻ kiến thức và hỗ trợ?
- Bản thân tôi luôn tâm niệm mình làm ăn được thì nên giúp đỡ người khác. Vì vậy, tôi luôn chia sẻ những kinh nghiệm có được cho người dân xung quanh. Tuy nhiên, tôi luôn nhấn mạnh rằng, mình chỉ truyền đạt chứ không nói đó là cách làm đúng duy nhất, bởi kiến thức là vô hạn. Đó là chưa kể đến những yếu tố như khác biệt về môi trường, nguồn giống và cả sự may mắn.
Tôi sẵn sàng tài trợ, phối hợp cùng UBND xã mở nhiều lớp tập huấn tại nhà, hướng dẫn thao tác, kiến thức mà tôi biết, đồng thời chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho những hộ khó khăn cùng phát triển kinh tế. Cùng với đó, hằng năm, tôi hỗ trợ vốn cho 3 - 5 hộ thoát nghèo, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 4 lao động với thu nhập 8 - 10 triệu đồng/người/tháng.
* Được biết, ngoài hỗ trợ các hộ phát triển kinh tế, ông còn thường xuyên chia sẻ với những trường hợp khó khăn?
- Với gia đình tôi, việc hàng xóm láng giềng “tối lửa tắt đèn có nhau” là chuyện thường tình. Đôi khi quan tâm, cho túi gạo, gói thuốc khi bà con cần… không phải là điều đáng nhắc lại đâu. Ngoài tự mình chia sẻ, mỗi lần chính quyền địa phương tổ chức các chương trình thiện nguyện, tôi cũng phối hợp với mong muốn lan tỏa rộng hơn những hành động có ích, giàu ý nghĩa.
Một số thành tích của ông Nguyễn Văn Quốc: Bằng khen của UBND tỉnh tặng cá nhân sản xuất kinh doanh giỏi năm 2020; Giấy khen UBND huyện Phù Mỹ tặng cá nhân sản xuất kinh doanh giỏi năm 2021; Danh hiệu Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện.
Ngày 15.8.2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định tặng Bằng khen cho ông Nguyễn Văn Quốc vì tổ chức sản xuất đạt hiệu quả cao, ổn định, giúp đỡ nhiều hộ nông dân giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động, góp phần vào sự phát triển KT-XH ở địa phương.
DƯƠNG LINH - NGUYỄN DŨNG (Thực hiện)