Giúp người lầm lỡ làm lại cuộc đời
Trong 3 năm qua, thực hiện Nghị định số 49/2020/NÐ-CP ngày 17.4.2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng triển khai nhiều biện pháp thiết thực và đạt được một số kết quả khả quan.
Thời gian qua, số người chấp hành xong hình phạt tù về cư trú trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng. Năm 2020 có 321 người, năm 2021 có 608 người, năm 2022 có 642 người. Bên cạnh những trường hợp chấp hành tốt pháp luật, có ý chí, nghị lực vươn lên tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng, vẫn còn một số trường hợp không chịu sự quản lý, giám sát, giáo dục của chính quyền địa phương, sống buông thả, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến tái phạm tội, vi phạm pháp luật, gây mất ANTT. Cụ thể, tỷ lệ tái phạm tội năm 2020 là 1,26%, năm 2021 là 1,03%, năm 2022 là 1,31%.
Thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh) ra mắt mô hình giúp đỡ người hoàn lương. Ảnh: M.N
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 1.926 người chấp hành xong hình phạt tù chưa được xóa án tích đang được quản lý; trong đó, 1.448 người đã có việc làm, 478 người chưa có việc làm.
Thời gian qua, thực hiện Nghị định số 49/2020/NĐ-CP, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành, tổ chức chính trị xã hội, nhất là lực lượng CA tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo đẩy mạnh công tác xây dựng và nhân rộng mô hình tái hòa nhập cộng đồng.
Lực lượng CA cấp xã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể cùng cấp tổ chức quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù vượt qua mặc cảm, xóa bỏ tâm lý tự ti để nhanh chóng hòa nhập cộng đồng. Thường xuyên điểm danh, kiểm diện và thu thập thông tin về hành vi, biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội để ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, nhiều người chấp hành xong án phạt tù về địa phương đã nỗ lực làm lại cuộc đời. Điển hình như anh Nguyễn Văn Dũng (SN 1984, ở xã Tây An, huyện Tây Sơn, chấp hành xong hình phạt tù ngày 26.4.2013), hiện làm tổ trưởng tổ bốc vác tại địa phương, thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng, cuộc sống gia đình cơ bản ổn định.
Bên cạnh nỗ lực của ngành CA, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp tổ chức thực hiện Đề án “Vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư”. Các tổ chức thành viên ở cơ sở phối hợp hỗ trợ các thủ tục pháp lý cần thiết, tiếp cận các nguồn vốn vay để tạo việc làm. Trong 3 năm qua, có 13 trường hợp chấp hành xong hình phạt tù được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng CSXH với tổng số tiền 450 triệu đồng. Qua theo dõi của các địa phương, hầu hết số được vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, tạo thu nhập ổn định.
Ngoài ra, để tạo điều kiện cho phạm nhân chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Định phối hợp với Trại giam Kim Sơn tư vấn giới thiệu học nghề cho hơn 100 phạm nhân, giới thiệu việc làm cho 250 phạm nhân. Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ đào tạo nghề sơ cấp cho 630 phạm nhân đang chấp hành án tại Trại giam Kim Sơn với các nghề: Điện dân dụng, hàn điện, kỹ thuật xây dựng, mộc dân dụng, trồng nấm, chăn nuôi, thú y…
MINH NGỌC