Duyên muộn
Truyện ngắn của BÙI DUY PHONG
Chị Hải khệ nệ bưng cái giỏ rau xuống sạp từ chiếc xe máy cà tàng mà hằng ngày chị vẫn thường dùng để chở rau ra chợ. Tiếng những người dọn hàng ra chợ sớm, tiếng xe chở hàng từ những chiếc xe tải đậu ngoài cổng làm cái chợ đầu mối của ba huyện cánh bắc sôi động hẳn lên khi mặt trời chưa ló dạng. Bà Lài bán trái cây gần bên đã bày mấy rổ ra quầy đâu đó hết rồi. Bà vừa xếp trái cây vừa trêu:
- Sáng nay sao dọn hàng có một mình vậy há?
- Chớ mấy mình nữa cô Lài. Số con lầm lũi hồi giờ mà.
Chị vừa nói vừa sắp rau lên sạp rồi lại tất tả bỏ rau vào những cái bị lớn để giao cho những khách hàng quen. Công việc buổi sáng cứ diễn ra đều đều như thế kể từ khi chị chọn việc bán rau ở cái chợ này làm kế sinh nhai. Lác đác những người đi chợ sớm ghé hàng mua rau làm chị chưa dám gửi sạp để chạy về nhà lo bữa sáng cho người mẹ già. Chị cứ thấp thỏm, ngó nghiêng như chờ đợi ai đó. Trông bộ dạng của chị, bà Lài ngó sang bắt bài phán luôn:
- Chờ thằng chả chớ gì. Mới thấy đẩy hàng vào trong chợ đó. Coi bộ kết rồi nghen mậy.
Chị Hải tay vừa nhặt rau vào rổ vừa chối đây đẩy:
- Không có đâu cô Lài ơi! Con gái còn trẻ thiếu gì mà dính vào con làm chi cho khổ.
Chị Hải lầm lũi với gánh hàng rau nơi đầu chợ đã mười mấy năm nay để được gần nhà nuôi người mẹ già gần đất xa trời. Mấy người bạn rủ chị vào thành phố làm công nhân cho các khu công nghiệp lương cũng khá lắm nhưng chị biết gửi người mẹ già cho ai nên đành chọn kế buôn gánh bán bưng ở cái chợ này mỗi ngày. Anh Bình “ba gác” kéo chiếc xe không từ trong chợ đi ra. Cái áo thun màu xanh bệt dính vào người vì mồ hôi chỉ còn lộ khoảng ngực rám nắng. Anh dừng lại nơi sạp rau chị Hải hỏi thăm:
- Có đem đồ ăn sáng về cho bà già không?
Câu nói cộc lốc, trống lổng trống lơ nhưng nhẹ nhàng, chất chứa quan tâm. Chị chợt nhớ đến bị bánh canh mà mình mua cho mẹ từ lúc sáng đến giờ đã nguội ngắt. Giao vội cho anh trông giúp sạp rau, chị nổ máy chiếc xe cà tàng rồi phóng vội về nhà lo cho mẹ. Khi tiếng xe máy xa dần, hòa vào con đường tấp nập trước chợ, bà Lài nói bâng quơ nhưng cố tình để anh Bình ba gác nghe:
- Tui chưa thấy đứa nào có hiếu như con Hải. Một thân một mình vất vả nuôi người mẹ già nên cả cái chợ này ai cũng phục. Ai mà cưới nó về làm vợ chắc có phúc lắm.
Nói đoạn đến đây bà ngó mắt sang thấy anh Bình đang cầm cái mũ quạt cho bớt nóng. Anh mỉm cười khi biết bà Lài nói trêu mình nhưng bẽn lẽn không lên tiếng. Bình vốn là người ít nói, người ta chỉ thấy nụ cười trên khuôn mặt cháy đen vì nắng.
***
Anh Bình sống bằng nghề đẩy ba gác chở hàng từ những xe tải hàng ở cổng vào chợ. Vợ anh lô đề, hụi hè nên nợ nần chồng chất bỏ hai cha con anh biệt xứ đã hơn mười lăm năm nay rồi khi con anh còn chưa đi mẫu giáo. Những ngày cơ cực rồi cũng qua, cha con anh lúi húi nương vào nhau. Thương cảnh gà trống nuôi con người ta làm mai mối nhưng vì đứa con gái còn nhỏ quá mà anh cứ lưỡng lự hoài, rồi thời gian trôi qua lúc nào không hay. Có những chiều bên mâm cơm chỉ có hai cha con quạnh quẽ, lòng anh ước ao có người vợ để anh được chăm sóc, để cho con anh khỏi côi cút. Những lúc thấy nó chống cằm buồn không muốn gắp thức ăn, anh dò hỏi:
- Con có nhớ mẹ hông?
Đôi mắt nó nhìn xa xăm trả lời anh bằng cái giọng buồn thiu pha chút hờn giận:
- Có biết mặt mũi ra sao mà nhớ, ba.
Trong ký ức của đứa con gái sắp vào tuổi đôi mươi, mẹ nó chỉ là cái bóng mờ nhạt, là nỗi đau đóng băng thường trực nơi trái tim nó, là nỗi giận hờn mỗi khi nhắc đến. Biết động đến nỗi lòng của con nên anh Bình không muốn nhắc đến nữa. Anh dự định hỏi thăm ý con như thế nào nếu anh đi bước nữa nhưng mỗi lần thấy con buồn, cái dự định của anh cứ mãi còn nằm im chưa thể thốt thành lời. Đã vài lần anh nhờ con gái mang cho cô Hải bán rau chục trứng hay lon sữa bò bảo để biếu bà nhưng thực chất là để dò xem ý con gái như thế nào, nó cứ tỉnh bơ và dường như không quan tâm đến những mối quan hệ của ba nên càng làm cho anh thêm do dự. Rồi những tiếng thì thầm nhỏ to, chọc ghẹo của những người quen ba nó dần làm nó sinh nghi. Hôm chủ nhật nó ở nhà chuẩn bị cơm sớm, nó dọn ra bàn chỉ độc món cá kho. Anh Bình thấy làm lạ hỏi nó:
- Sao hôm nay không có canh rau gì hết vậy con?
Nó mỉm cười khi nó gài ba nó sập bẫy như dự định.
- Nhà mình sắp được ăn rau triền miên rồi nên hôm nay nhịn chớ sao ba.
Nói xong nó nghiêng đầu cười mỉm nhìn ba nó chờ xem phản ứng. Anh Bình cũng giả vờ không hiểu ý.
- Ba nào đã đến nỗi thiếu tiền đến mức để con ăn rau…
Hai cha con phá lên cười khi những suy nghĩ trùng nhau mà giả vờ không hiểu ý. Anh cố đợi thêm thời gian xem ý nó thế nào với lại anh cũng chỉ thể hiện chút quan tâm chớ có biết ý cô Hải ra sao đâu. Ở cái tuổi trẻ chưa qua, già chưa tới này yêu thương ai cũng phải thận trọng, rụt rè chớ có giống gì khi trẻ. Hơn nữa cả anh và chị kiếm sống ở cái chợ này nên sự quan tâm thể hiện của anh chị diễn ra trước bao cặp mắt soi mói, thêu dệt chớ có ít đâu. Thương thì họ nói vào, ghét thì họ nói ra nên chị Hải cứ rụt rè, kín tiếng. Hằng ngày lúc xe hàng chưa về, anh hay đỗ chiếc ba gác của mình phía gần cổng ngồi đợi ngó xem chị Hải bán hàng chứ chớ hề chòng ghẹo dù chỉ là một câu. Bà Lài bán trái cây hay mấy bà bán hàng gần đó có gán ghép thì chỉ mình chị Hải đối đáp còn anh chỉ cười. Có lẽ trời phú cho anh nụ cười có duyên nên nhìn anh dễ cảm mến lắm. Khi anh đi rồi thì lúc nào bà Lài cũng nhận xét như để cho chị nghe, cái thằng hiền như đất cục... vào tay cô vợ hiền là thành cục vàng ha…
Tranh của họa sĩ NGUYỄN MAI LONG
Cái tên Bình ba gác hầu như ở cái chợ này ai cũng biết vì anh hay giúp đỡ mọi người. Những lúc rỗi rãi chờ hàng, chỉ cần ới một tiếng là anh mạnh tay mạnh chân bưng bê giúp cho, ai cũng mến. Với chị Hải cuối những buổi chợ, anh hay ghé hàng rau của chị xem có gì giúp hông, khi thì đi lấy rau ở mối giúp chị, khi thì bưng bê dọn sạp hàng. Chị thấy anh hiền lành, gia cảnh neo đơn nên cũng có quan tâm nhưng chị vẫn còn nhiều do dự vì anh còn đứa con gái không biết nó có chấp nhận hay không khi tự dưng có người thay thế mẹ nó. Bà Lài trái cây thường khuyên:
- Bây giờ còn trẻ mầy còn tự lo liệu được chớ về già cũng phải có chỗ để nương tựa vào nhau chớ.
Chị cứ cười rồi nói cô Lài nói sao giống bà mẹ già ở nhà quá. Rồi chị lại than thở đã vào hàng “băm luống” chắc người ta chê. Bà Lài hứ một tiếng rõ to chọc lại chị:
- Mê chết mệt rồi mà còn làm bộ.
Những lúc như thế chị chỉ cười không nói. Mải mê mưu sinh nuôi người mẹ già mà tuổi thanh xuân vụt qua lúc nào không hay để đến khi ngoảnh lại đã quá nửa đời người. Gia cảnh neo đơn, nghèo khó, cũng chẳng chàng nào để ý nên cuộc sống của chị cứ lầm lầm lũi lũi. Nhiều khi ngó bóng mình qua gương, màu thời gian đã nhuốm khuôn mặt dãi nắng dầm sương làm chị Hải chợt chạnh lòng nhưng rồi chị lại buông xuôi mặc cho số phận. Trước đây, chị hay cười lúng túng khi nghe câu hỏi quan tâm của mọi người “Có mối nào chưa em?” nhưng rồi người ta hỏi riết thành quen. Khi những câu hỏi như thế cứ thưa dần, thưa dần, chị giật mình “già thật rồi sao?”
Nãy giờ khách qua lại mua rau nhưng anh Bình chỉ biết lắc đầu cười. Anh đang thấy bà Lài đốt cái giấy gì lạ lắm rồi cầm huơ huơ xung quanh quầy trái cây. Thấy lạ anh cất giọng hỏi:
- Đốt kiến hả cô Lài?
Chị Hải vừa ra đứng sau anh Bình nói nhỏ:
- Bả đốt “phong long” xua ế đó anh. Từ sáng tới giờ đâu có bán được trái nào đâu.
Anh Bình phá lên cười rồi lại mua một chùm ổi mở hàng quầy trái cây cô Lài. Anh đặt bị trái cây lên sạp chị Hải.
- Ăn “phong long” nhé.
Chị nở nụ cười thật duyên khi nghe câu chọc vui hiếm hoi của anh. Nhìn dáng anh Bình kéo chiếc ba gác ra ngõ chợ với đôi tay rắn chắc, cơ gân nổi lên, chị nhìn theo xao xuyến. Bất giác chị ao ước có một gia đình nhỏ dù nghèo khó nhưng sớm tối có nhau để đời bớt cô quạnh. Cái ao ước nhỏ nhoi thế nhưng với chị cả một đời chưa với tới. Những hôm thấy anh Bình không kéo hàng vào chợ, chị ngồi bán mà cứ trông ngóng, đợi chờ rồi lại tự mỉm cười với cảm xúc của mình. Thì ra tình yêu nó không có tuổi. Đang mơ màng với cảm giác rất lạ choáng ngợp lòng mình mặc cho bao người qua lại, chị chợt giật mình khi nghe tiếng con bé gọi:
- Cô Hải! Ba cháu mời cô trưa nay về ăn bữa cơm thân mật với ba con cháu.
Chị ngạc nhiên khi thấy con bé xuất hiện nơi sạp rau của chị và càng ngạc nhiên hơn khi thấy nó mời về ăn cơm cùng. Thấy nó cười thân thiện, lòng chị thêm vui rủ con bé cùng vào chợ mua ít thức ăn. Về đến nhà đã thấy anh Bình lui cui trong bếp, anh nở nụ cười thật tươi đón chị:
- Anh sợ em ngại không đến.
- Cô Hải mua toàn mấy món ba thích không hà.
Con bé xen vào câu chuyện làm cả anh và chị nhìn nó cười. Trong lúc chị đang chuẩn bị món ăn, anh đốt tờ giấy huơ huơ sau lưng làm chị giật mình
- Anh đốt “phong long” cho em rồi nhé.
Chị đấm thùm thụp vào lưng anh làm cho con bé cười nắc nẻ vì nó chưa thấy khi nào ba nó vui như hôm nay. Đã lâu lắm rồi nhà anh mới có một bữa cơm vui như thế. Cả hai cha con giành bỏ thức ăn rồi hối thúc chị ăn. Chị cầm chén nhưng không biết mình ăn gì mặc dù hôm nay chị nấu. Mùi thức ăn cứ thoang thoảng khác lạ so với những bữa cơm chỉ có hai mẹ con và dường như anh cũng có cùng cảm xúc như thế. Bất chợt chị nhìn sâu vào mắt anh hỏi một câu phá tan không khí trầm lắng:
- Năm nay anh Bình bao nhiêu tuổi rồi há?
Anh chưa kịp trả lời đã thấy con bé buông đũa cầm vội cái điện thoại lên bảo anh và cô Hải cười tươi để nó chụp hình. Ngoài kia, gió lắc lư những cành bưởi trước nhà làm những giọt nắng đung đưa khi trời đã sang chiều.