Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh: Ðưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với công chúng
Những năm gần đây, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh (Sở VH&TT) chú trọng xây dựng các tiết mục hòa tấu, độc tấu nhạc cụ dân tộc để biểu diễn phục vụ khán giả tại các sự kiện văn hóa, văn nghệ, góp phần bảo tồn, quảng bá giá trị của âm nhạc dân tộc.
Trong hành trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, Đoàn tuồng Đào Tấn và Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) tích cực tập luyện, dàn dựng nhiều tiết mục tham gia các cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc, nhằm quảng bá nét độc đáo của âm nhạc cổ truyền Bình Định. Cùng với đó, các đơn vị nỗ lực đưa âm hưởng nhạc truyền thống vào các sáng tác mới, kỹ thuật biểu diễn của đội ngũ nghệ sĩ, nhạc công. Qua đó, tôn vinh, bảo tồn và phát huy vốn quý âm nhạc dân tộc, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Các tiết mục hòa tấu, độc tấu nhạc cụ dân tộc được Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh dàn dựng để biểu diễn, quảng bá giá trị của âm nhạc dân tộc. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Ngoài các tiết mục biểu diễn giới thiệu các bài bản âm nhạc tuồng, dân ca, bài chòi, Nhà hát còn có các nghệ sĩ sáng tác tác phẩm dành riêng cho một số nhạc cụ dân tộc để tạo sự phong phú trong kịch mục biểu diễn tại các sự kiện văn hóa, văn nghệ.
NSƯT Đào Trung Nghĩa, Trưởng Đoàn tuồng Đào Tấn, chia sẻ: “Dựa trên nền tảng những bài bản cổ trong tuồng, các thế hệ nghệ sĩ Nhà hát phát triển thêm tiết tấu mới để dàn dựng các tiết mục song tấu trống, độc tấu kèn… nhưng vẫn giữ được hồn cốt của nghệ thuật tuồng Bình Định để tạo sự mới mẻ, đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với công chúng, nhất là giới trẻ”.
Ngoài vai trò chỉ huy dàn nhạc Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định, NSƯT Đinh Văn Nhân còn phát huy thế mạnh của một nghệ sĩ được đào tạo bài bản chuyên ngành sáng tác để viết ra nhiều tác phẩm mới. “Những tác phẩm mới được tôi đầu tư công phu cả về sáng tác, dàn dựng, hòa âm, phối khí để dự thi hay biểu diễn phục vụ công chúng. Qua đó, giúp khán giả không chỉ cảm nhận được loại hình nghệ thuật truyền thống Bình Định, mà còn hiểu thêm nét độc đáo trong phong cách biểu diễn của các loại nhạc cụ dân tộc, như đàn bầu, sáo, nhị, tam thập lục, đàn tranh, đàn nguyệt… góp phần quảng bá giá trị âm nhạc dân tộc”, NSƯT Đinh Văn Nhân chia sẻ.
Thuộc lớp nhạc công trẻ của Đoàn tuồng Đào Tấn, có khả năng biểu diễn điêu luyện đàn bầu, đàn nhị, kèn, trống… nghệ sĩ Trần Quang Hiếu, bộc bạch: “Thỉnh thoảng tôi được mời đi biểu diễn một số sự kiện du lịch. Nhiều du khách, nhất là người nước ngoài rất thích thú nghe tiếng đàn bầu, đàn nhị ngân lên những giai điệu dân ca. Tuy nhiên, sân chơi cho các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc trong tỉnh vẫn chưa nhiều, nên giá trị âm nhạc dân tộc vẫn chưa lan tỏa rộng”.
Trong bối cảnh xã hội hiện đại, Nhà hát đã nỗ lực đổi mới kịch mục để phù hợp thị hiếu của công chúng, góp phần bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa truyền thống trong thời kỳ mới. Ông Văn Bá Dũng, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, cho biết: Ngoài việc phục hồi, dàn dựng mới các vở tuồng, ca kịch bài chòi, Nhà hát còn chú trọng dàn dựng các tiết mục múa Chăm, múa trình tường, dân ca, hòa tấu, độc tấu nhạc cụ dân tộc… Chúng tôi cũng đang triển khai xây dựng mã QR cho các hiện vật tại phòng trưng bày, tạo thêm sản phẩm mặt nạ tuồng, thiết kế các chương trình phục vụ tour du lịch tại Nhà hát và hướng tới hoạt động biểu diễn phục vụ du lịch.
Trong năm nay, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã đạt 1 giải nhì, 2 giải ba tại Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2023. Tại Cuộc thi này, Nhà hát mang đến những tiết mục thể hiện sự bài bản trong tuồng, dân ca, bài chòi, mà còn có các tác phẩm sáng tác, phát triển mới trên nền âm nhạc truyền thống, như: Tiếp bước quân hành (sáng tác NSƯT Đào Trung Nghĩa), Hào khí Tây Sơn (nhạc truyền thống phát triển do NSƯT Đào Duy Kiền phối khí); Tiếng vọng, Chiều Lại Giang, Khát vọng non sông (sáng tác NSƯT Đinh Văn Nhân).
ĐOÀN NGỌC NHUẬN