Tăng cường lãnh đạo, quản lý công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới
(BĐ) - Sáng 5.11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 10 tháng thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 3.1.2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới.
Dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, Giám đốc CA tỉnh, cùng đại diện các sở, ngành chức năng. Hội nghị cũng được kết nối tới điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bình Định
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, tình hình cháy nổ trên cả nước diễn biến phức tạp. Tính từ ngày 15.12.2022 đến 15.10.2023, toàn quốc xảy ra 2.927 vụ cháy và sự cố cháy, làm chết 134 người, 101 người bị thương; giảm 1.367 số vụ nhưng tăng 36 người chết và 22 người bị thương so với cùng kỳ năm 2022; thiệt hại về tài sản ước tính gần 230 tỷ đồng và 207 ha rừng. Các vụ cháy nổ chủ yếu xảy ra tại nhà dân ở khu vực thành thị. Nguyên nhân chính là do sự cố hệ thống, thiết bị điện (chiếm 61,6% số vụ), do sơ suất, bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt chiếm 16,6%...
Tại Bình Định, 10 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 27 vụ cháy, làm 1 người chết, 1 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính hơn 15,6 tỷ đồng và 1,14 ha rừng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh xảy ra 21 sự cố chạm chập thiết bị điện trên cột điện, sơ suất sử dụng lửa trong nhà dân và cháy cỏ, rác khác gây thiệt hại không đáng kể. So cùng kỳ năm 2022, số vụ cháy giảm 3 vụ, nhưng chết tăng 1 người và bị thương tăng 1 người, thiệt hại về tài sản giảm hơn 103 tỷ đồng.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong xây dựng và phát triển đất nước, đó là chú trọng công tác an ninh, an toàn, trong đó có an toàn về PCCC&CNCH. Do đó, các cấp, các ngành, các địa phương cần xác định PCCC&CNCH là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển KT-XH, từ đó đổi mới tư duy, nhận thức, cách thức tổ chức, cách làm, cách tiếp cận đối với nhiệm vụ này. Đặt nhiệm vụ PCCC&CNCH dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý chặt chẽ, hiệu quả của Nhà nước, sự tham gia tích cực của người dân và DN.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác PCCC&CNCH thời gian qua và nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện, đó là: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý hiệu lực, hiệu quả của cơ quan quản lý Nhà nước. Quán triệt và thực thi hiệu quả các văn bản chỉ đạo về PCCC của Đảng và Nhà nước. Đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm, kỹ năng của người dân trong phòng, chống cháy nổ và CNCH. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là huy động các nguồn lực cho phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực trong PCCC đáp ứng yêu cầu khi có sự cố xảy ra.
Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, các quy định, tiêu chuẩn gắn với kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm quy định. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng, các cơ quan, đơn vị, các địa phương trong thực thi nhiệm vụ được giao. Quan tâm nâng cao năng lực thực thi của cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Nâng cao năng lực của lực lượng PCCC ở các địa phương, cơ sở. Đồng thời, làm tốt công tác quy hoạch cơ sở hạ tầng cho công tác PCCC.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng giao nhiệm vụ cụ thể, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc quyết liệt, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, cụ thể các nhiệm vụ được giao bảo đảm an toàn, hiệu quả, nghiêm minh công tác PCCC&CNCH trong tình hình mới.
KIỀU ANH