KỶ NIỆM 106 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA (7.11.1917 - 7.11.2023)
Bài học quý từ Cách mạng Tháng Mười trong tác phẩm “Ðường cách mệnh”
Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử nhân loại - thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa, bài học kinh nghiệm quý của Cách mạng Tháng Mười Nga và hướng phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam đi theo trong tác phẩm Ðường cách mệnh.
Nhận thức và vận dụng
Trong tác phẩm Đường cách mệnh, Bác nhận xét sâu sắc, toàn diện về Cách mạng Tháng Mười Nga: “Cách mạng Tháng Mười Nga dạy cho chúng ta rằng cách mệnh muốn thành công thì phải lấy quần chúng công nông làm gốc, phải bền gan, phải hy sinh, phải có Đảng vững bền. Tóm lại là, phải theo chủ nghĩa Marx và Lê Nin”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn dự Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XXII, tháng 10.1961. Nguồn: Tài liệu lưu trữ Bộ Ngoại giao
Trong các bài học kinh nghiệm quý, nổi bật là về liên minh công - nông: “... Cách mạng muốn thành công thì phải lấy quần chúng công nông làm gốc”. Vận dụng sáng tạo bài học này vào Việt Nam, Bác và Đảng ta đã thành công khi xác định lực lượng cách mạng.
Cụ thể, Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng chỉ rõ: Về lực lượng cách mạng - khối đại đoàn kết toàn dân và nòng cốt là liên minh công - nông. Bác và Đảng ta đã thành công khi đề ra chiến lược, sách lược đại đoàn kết toàn dân trong Mặt trận dân tộc thống nhất, một mặt tập hợp được tất cả lực lượng yêu nước; mặt khác giữ vững được nòng cốt (liên minh công - nông trong giai đoạn 1930 - 1951 và công - nông - trí từ năm 1951 đến nay).
Bài học thứ hai là khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng: “Cách mạng muốn thành công thì (...) phải có Đảng vững bền”. Bài học này Bác đề cập từ đầu tác phẩm Đường cách mệnh: “Trước hết phải có Đảng cách mệnh để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với vô sản giai cấp và bị áp bức dân tộc mọi nơi. Đảng có vững cách mạng mới thành công...”. Bác nhận xét chính xác về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, không những đối với Cách mạng Tháng Mười Nga mà còn đối với cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng XHCN trên thế giới.
Tính đúng đắn của bài học này đã được lịch sử Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo đến nay minh chứng sống động bằng những thắng lợi to lớn. Sau đó tiếp tục được Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định.
Giá trị vững bền
Những bài học quý từ Cách mạng Tháng Mười Nga mà Bác đã đúc kết ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.
Về bài học liên minh công- nông, trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hơn 35 năm qua, Đảng đã xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trên nền tảng liên minh công - nông - trí, phát huy sức mạnh tổng hợp của tất cả giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, người trong nước và kiều bào ở nước ngoài. Đại hội XI của Đảng đúc kết thành bài học: “Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: Đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Đó là truyền thống quý báu và là nguồn sức mạnh to lớn của cách mạng nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”.
Về bài học vai trò lãnh đạo của Đảng, rõ ràng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, sự nghiệp đổi mới đất nước đã đi đúng hướng và thành công. Đại hội XI khẳng định: “Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”.
Như vậy, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã có ảnh hưởng to lớn đến Cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Trong tác phẩm Đường cách mệnh, Bác nhận thức sâu sắc, toàn diện về cuộc cách mạng này và hướng cách mạng Việt Nam đi theo.
LÊ VĂN MINH