Phòng bệnh viêm phổi ở trẻ
Viêm phổi ở trẻ em là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp nặng. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng thường gặp nhất, dễ dẫn đến biến chứng nặng. Có nhiều nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ nhưng thường gặp nhất là vi khuẩn phế cầu (Streptococcus pneumoniae). Vi khuẩn này lan truyền nhiều nhất qua đường hô hấp và lây lan thông qua việc tiếp xúc với người bị bệnh hoặc người khỏe mạnh nhưng mang vi khuẩn phế cầu trong người.
Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi (BVĐK tỉnh), cho biết: “Gần đây thời tiết thất thường nên số bệnh nhi nhập viện do bệnh viêm phổi tăng cao. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời trẻ có thể bị viêm phổi nặng, suy hô hấp với những dấu hiệu nặng hơn như: Tím tái da niêm mạc, thở rút lõm lồng ngực, co kéo cơ liên sườn, rút lõm hõm trên ức, phập phồng cánh mũi, thở rên… Trẻ mắc bệnh viêm phổi có biểu hiện sốt, ho khan, chảy mũi nước, mệt mỏi sau đó ho có đàm, thở nhanh. Muốn nhận biết dấu hiệu trẻ thở nhanh, chúng ta phải đếm nhịp thở của trẻ khi nằm yên”.
Để phòng bệnh cho trẻ, tốt nhất ngay từ đầu phải chăm sóc sức khỏe sản phụ, hạn chế sinh non, sinh thiếu cân. Trẻ cần được bú mẹ sớm, ăn dặm đúng cách, tránh suy dinh dưỡng. Trẻ được sống ở môi trường trong lành, không bụi khói độc hại, nhang trừ muỗi, thuốc lá, tránh khí độc, ô nhiễm, nơi ở tránh ẩm thấp, tránh tối đa nguồn lây…; hạn chế cho trẻ đến những chỗ đông người.
Đồng thời, khi thời tiết lạnh phải thường xuyên mặc quần áo đủ ấm, đi tất cho trẻ. Khi đi ngủ đắp chăn đủ ấm cho trẻ, tuy nhiên không đắp quá nhiều chăn, làm cho trẻ toát mồ hôi, sẽ dễ gây cảm lạnh và bị bệnh. Không cho trẻ tiếp xúc với những trẻ hoặc người lớn đang có dấu hiệu bị các bệnh cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu….
Cho trẻ ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Cho trẻ uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Khi trẻ có các dấu hiệu ho, sốt… cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Ngoài các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng quốc gia, có một số loại vắc xin mà các bà mẹ nên bổ sung thêm vắc xin phòng cúm, mỗi năm tiêm 1 lần, nên tiêm trước khi vào mùa lạnh khoảng 1 tháng, để khi vào mùa vắc xin có tác dụng phòng bệnh. Không tiêm vắc xin khi trẻ đang bị cúm, nghi ngờ có nhiễm cúm, hoặc đang bị các bệnh nhiễm trùng khác.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)