Điều trị thành công hiếm muộn ở bệnh nhân lớn tuổi
Trường hợp hiếm muộn lớn tuổi nhất đến thời điểm này đã được Khoa Hỗ trợ sinh sản (BVĐK tỉnh) điều trị thành công là vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh T. (SN 1984) và anh Nguyễn Văn D. (SN 1973). Đây là ca hiếm muộn được 7 năm, đã đi điều trị ở một số nơi nhưng không có kết quả. Nguyên nhân hiếm muộn đến từ cả hai vợ chồng, khi vợ bị dự trữ buồng trứng thấp, còn chồng tinh trùng yếu.
Tháng 7.2023, chị T. đã được chọc hút trứng 8 trứng và tạo được 6 phôi. Cuối tháng 9.2023, chị T. được chuyển 1 phôi vào buồng tử cung. Kết quả bất ngờ sau 12 ngày chuyển phôi, chị T. đậu thai. Từ đây, các bác sĩ lên kế hoạch dưỡng thai và theo dõi sát tình trạng thai nghén của chị T.
Bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Tiến, Trưởng Khoa Hỗ trợ sinh sản cho hay, đây là trường hợp bệnh nhân lớn tuổi nhất mà khoa đã tiếp nhận và điều trị thành công ngay trong lần chuyển phôi đầu tiên. Nhận được kết quả, không chỉ gia đình bệnh nhân mà tập thể nhân viên Khoa đều vui mừng.
Hiện nay, kỹ thuật IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) có thể áp dụng cho hầu hết các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn có nguyên nhân cả từ phía người vợ lẫn người chồng. Hiện tại kỹ thuật IVF do khoa Hỗ trợ sinh sản thực hiện có tỷ lệ thành công từ 42 - 44%.
Tuy vậy, bác sĩ Tiến khuyến cáo việc can thiệp điều trị hiếm muốn ở bệnh nhân lớn tuổi khá khó, chưa kể khi có thai thì tỷ lệ động thai, sẩy thai, thai chết lưu cũng cao hơn so với sản phụ can thiệp dưới 30 tuổi. Do đó, nên đi khám và điều trị hiếm muộn càng sớm càng tốt, không nên chờ đợi.
HOÀNG ANH