Chủ động ứng phó dịch bệnh trong mùa mưa lũ
Mùa mưa lũ tiềm ẩn nguy cơ nhiều dịch bệnh, ngành y tế và các địa phương chủ động triển khai biện pháp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch. Các đơn vị y tế củng cố và duy trì đội cơ động chống dịch hỗ trợ tuyến dưới trong giám sát, xử lý dịch bệnh.
Chủ động rà soát, đánh giá nguy cơ dịch bệnh
Ngành y tế khuyến cáo, sau mưa lũ, rất nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát như sốt xuất huyết Dengue (SXH), tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da… Đặc biệt, Bình Định đang vào mùa mưa, độ ẩm cao, phù hợp cho muỗi gây bệnh SXH phát triển; chưa kể ý thức của người dân trong phòng chống dịch bệnh này chưa cao, chưa phối hợp trong việc loại trừ ổ bọ gậy trong và xung quanh nhà… nên nguy cơ dịch sẽ tăng thời gian tới.
Kiểm tra, diệt ổ bọ gậy, phun thuốc làm sạch môi trường phát triển muỗi gây bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: CDC
Thông tin nhanh từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đến ngày 3.11, toàn tỉnh ghi nhận 2.067 ca mắc SXH tại 147/159 xã, phường, thị trấn; 121 ổ dịch được điều tra xử lý. Đáng chú ý, số ca mắc tăng nhanh từ đầu mùa mưa đến nay.
Bác sĩ Huỳnh Bá Thịnh, Phó Giám đốc TTYT huyện Tây Sơn, cho biết, trong 194 ca mắc SXH tại 15 xã, thị trấn và 10 ổ dịch trên địa bàn thì số ca mắc tăng nhanh từ đầu tháng 10 đến ngày 4.11 với 43 ca và 5 ổ dịch. Huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai chiến dịch tổng vệ sinh diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi, chủ động phòng chống dịch SXH tại các xã, thị trấn trọng điểm; tuyên truyền, huy động lực lượng, người dân cùng tham gia phòng chống SXH. Bên cạnh đó, tăng cường điều tra, giám sát ca bệnh, giám sát côn trùng xác định điểm nguy cơ; giám sát phát hiện kịp thời các ổ dịch, xử lý trong vòng 48 giờ, khống chế dịch không cho SXH lây lan ra diện rộng.
Đến ngày 3.11, TP Quy Nhơn ghi nhận 268 ca mắc SXH tại 19/21 xã, phường, trong đó 3 ca bệnh nặng, 10 ổ dịch. Tình hình dịch được đánh giá ổn định, tuy nhiên, bác sĩ Lê Văn Chiến, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật (TTYT TP Quy Nhơn), cho rằng đang vào mùa mưa, dịch SXH rất dễ bùng phát. Để chủ động phòng chống, TTYT TP Quy Nhơn triển khai chiến dịch chủ động diệt bọ gậy toàn thành phố nhằm giảm số ca mắc xuống mức thấp nhất, không để bùng phát thành dịch lớn và không để tử vong do SXH. Chiến dịch tổ chức thành 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 13 - 22.11, đợt 2 từ ngày 11 - 20.12.
Xây dựng các đội y tế lưu động, đáp ứng nhanh
Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngành y tế đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ. Các đơn vị rà soát, xây dựng và bổ sung kế hoạch, kiện toàn về tổ chức, nâng cao năng lực cho các lực lượng tham gia phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. TTYT cấp huyện phân công cán bộ bám sát khu vực có bão lụt, thiên tai xảy ra để triển khai kịp thời công tác cấp cứu, phòng chống dịch bệnh, xử lý nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Chủ động phân bổ và dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư y tế tại các tuyến, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở, đáp ứng kịp thời và khắc phục có hiệu quả các tình huống thiên tai, thảm họa gây ra.
Ngoài ra, ngành y tế tuyên truyền hướng dẫn người dân vùng nguy cơ ảnh hưởng của lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, thực hiện biện pháp vệ sinh theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Phối hợp với các sở, ngành liên quan trong công tác chuẩn bị và ứng phó với dịch bệnh trong mùa mưa bão.
Ông Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh: “Ngành y tế đã củng cố các đội chống dịch lưu động tại các BVĐK tuyến tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và TTYT huyện, thị xã, thành phố. Ngoài tổ chức lực lượng phòng, chống thiên tai tại đơn vị còn phải chuẩn bị sẵn sàng máy móc, trang thiết bị y tế, thuốc men, hóa chất… để chi viện cho các đơn vị khác khi có lệnh điều động”.
BVĐK tỉnh và BVĐK khu vực Bồng Sơn kiện toàn 2 đội y tế lưu động; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kiện toàn 2 đội công tác chống dịch và vệ sinh môi trường. Với tuyến huyện, mỗi TTYT thành lập 2 đội cơ động chống dịch, vệ sinh môi trường và 1 đội cấp cứu ngoại viện. Trong khi đó, mỗi trạm y tế cấp xã tổ chức 1 tổ y tế lưu động hỗ trợ cho công tác cứu nạn và chống dịch.
MAI HOÀNG