Ðể chính sách hỗ trợ đến với người mất việc, giảm việc
Theo Quyết định số 7785/QÐ-TLÐ ngày 25.8.2023 của Ðoàn Chủ tịch Tổng LÐLÐ Việt Nam, đoàn viên công đoàn, người lao động gặp khó khăn do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng từ ngày 1.4 - 31.12.2023 sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, để thực hiện được hiệu quả trong thực tế còn nhiều vấn đề cần quan tâm.
Bà Huỳnh Thị Minh Hà, Trưởng Ban Chính sách pháp luật và quan hệ lao động (LĐLĐ tỉnh) cho biết: Sau khi có thông báo về chính sách hỗ trợ, ngày 16.10, LĐLĐ tỉnh đã hướng dẫn các cấp công đoàn trong tỉnh triển khai. Nhưng đến nay, LĐLĐ tỉnh chưa nhận được hồ sơ đề nghị hỗ trợ nào.
Công nhân Công ty CP Giày Bình Định làm việc vào tháng 10.2023. Trước đó, DN trải qua giai đoạn gặp nhiều khó khăn bởi không có đơn hàng. Ảnh: H.T
Qua tìm hiểu của chúng tôi, việc lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ có thể đã gặp phải một số trở ngại, đầu tiên đó là việc nhiều người lao động chưa biết có chính sách hỗ trợ kể trên.
Anh H.Đ.T là công nhân tại một DN ở Khu công nghiệp Phú Tài. Do DN khó khăn đơn hàng nên anh bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ tháng 3 - 5.2023, sau đó đi làm lại đến nay. “Tôi đọc thông tin trên mạng thì thấy mình thuộc đối tượng hỗ trợ, nhưng khi hỏi thăm bộ phận liên quan của DN thì chỉ được nghe trả lời chung chung kiểu né tránh, cũng không rõ lý do vì sao”, anh H.Đ.T cho biết.
Đoàn viên, người lao động không thể tự làm hồ sơ đề nghị, bởi phải có sự hỗ trợ, xác nhận của công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động. Tùy từng đối tượng, người lao động muốn được hỗ trợ phải có tên trong danh sách trả lương (hoặc bảng lương) của DN, cùng các văn bản, giấy tờ liên quan.
Theo một số cán bộ công đoàn và đại diện DN, điểm khó nhất trong hồ sơ đề nghị là DN phải chứng minh việc cắt, giảm đơn hàng trong thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ; có các văn bản, phương án, quyết định sắp xếp lại thời gian làm việc, việc làm, sản xuất kinh doanh, giảm giờ làm việc...
Cùng với đó, chính sách chỉ hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động tại DN có đóng kinh phí công đoàn trước ngày 1.4.2023. Do đó, DN chưa đóng đầy đủ kinh phí công đoàn theo quy định thì phải làm thủ tục xác nhận còn nợ thì người lao động của DN mới được xem xét hỗ trợ.
“Lãnh đạo DN nào quan tâm thực hiện tốt các chế độ chính sách cho người lao động thì mới cho hỗ trợ làm hồ sơ đề nghị, còn không sẽ “phớt lờ” vì phải mất thời gian đáp ứng các thủ tục, trong đó có thủ tục DN thường không muốn làm, tránh bị “làm khó” về sau, như xác nhận nợ kinh phí công đoàn...”, một cán bộ công đoàn cơ sở DN (đề nghị không nêu tên) cho biết.
Theo quy định, thời hạn tiếp nhận hồ sơ hỗ trợ chậm nhất đến ngày 31.1.2024; thời hạn hoàn thành thủ tục hỗ trợ chậm nhất ngày 31.3.2024. Theo ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế tỉnh, việc triển khai hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động theo Quyết định số 7785/QĐ-TLĐ có thể sẽ gặp trở ngại, bởi thời gian qua nhiều DN vì một số lý do không muốn báo cáo, hoặc báo cáo không đầy đủ thực tế số lượng lao động giảm việc, ngừng việc, mất việc.
“Công đoàn Khu kinh tế tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động, tìm các giải pháp trong điều kiện có thể để phối hợp với công đoàn cơ sở, DN giúp nhiều đoàn viên, người lao động nhận hỗ trợ theo đúng quy định”, ông Long cho biết.
Chính sách hỗ trợ áp dụng cho 3 nhóm đối tượng: Đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, ngừng việc; đoàn viên, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; đoàn viên, người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo đó, tùy từng đối tượng mà mức hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn từ 1 - 3 triệu đồng; người lao động không là đoàn viên công đoàn được hưởng mức hỗ trợ bằng 70% so với mức hỗ trợ đối với đoàn viên công đoàn.
HOÀI THU