Thuốc lá điện tử "đội lốt" hộp sữa, đồ chơi
Nhiều phụ huynh hoảng hốt khi thấy con sử dụng món đồ chơi hình thù giống hộp sữa, lego nhưng thực chất lại là thuốc lá điện tử.
Trong lúc soạn sách vở giúp con trai 14 tuổi, chị Ngọc Lan (45 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) phát hiện trong ba lô của con đồ vật hình thù không khác gì hộp sữa, có dây đeo, mùi thơm hấp dẫn.
Thuốc lá điện tử "núp bóng" hộp sữa. Ảnh: Như Loan.
“Núp bóng” tinh vi, khó phát hiện
Vỏ ngoài của sản phẩm dán nhãn “Milk - Energy Drink", tức là sữa, thức uống năng lượng, nhưng khi mẹ hỏi, con trai thừa nhận bạn bè rủ rê mua thuốc lá điện tử hút thử.
Theo chị Lan, mọi ngôn từ và hình dáng sản phẩm đều thiết kế như món đồ uống lành mạnh dành cho trẻ em nhưng là thuốc lá điện tử trá hình. Phụ huynh và giáo viên cũng khó phát hiện đó là thuốc lá điện tử.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Chiến (50 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) hoàn toàn bất ngờ khi cô con gái lớp 7 thường xuyên kể bạn bè ở lớp vẫn dùng thuốc lá điện tử thiết kế dưới hình thức là các món đồ chơi như lego, đồ xếp hình.
ThS.BS Nguyễn Thị An, Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho biết, các tổ chức sản xuất, buôn bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có những chiến lược, cách thức nhắm thẳng vào giới trẻ.
Các chiến lược thường tập trung vào việc sản xuất các sản phẩm với hình thức đẹp, bắt mắt dễ hấp dẫn trẻ em như hình cái bút, thỏi son, dán các hình hoạt hình ngộ nghĩnh vào các sản phẩm.
“Họ tạo ra nhiều loại hương vị trẻ em yêu thích như hương vị xoài, táo, chanh leo để thu hút trẻ với giá rẻ. Ví dụ, sản phẩm thuốc lá điện tử hình hộp sữa giá 150.000 đồng cho 8.000 lần hút. Những sản phẩm có số lần hút thấp hơn giá khoảng 30.000-80.000 đồng”, bác sĩ An nói.
Các nhà sản xuất cũng thường sử dụng hình ảnh những người nổi tiếng, người giới trẻ thần tượng để quảng cáo sản phẩm, bán hàng.
Chuyên gia cho biết, thuốc lá điện tử hiện quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội với những lời quảng cáo như “thuốc lá điện tử ít hại hơn thuốc lá truyền thống”, “thuốc lá điện tử hàng xách tay chuẩn giá rẻ" bất ngờ thu hút sự quan tâm và sử dụng của giới trẻ.
Các sản phẩm này không chỉ bán tại nhiều cửa hàng chuyên bán thuốc lá điện tử, còn ở quán tạp hóa, quán trà đá, trước cổng trường. Từ đó, học sinh dễ dàng tiếp cận và mua sử dụng.
Một số hương liệu tăng độc tính nguy hại sức khỏe
Theo ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, thuốc lá điện tử gây nguy hại với sức khỏe cộng đồng tương tự thuốc lá điếu thông thường.
Đáng lo ngại, các sản phẩm thuốc điện tử bán công khai như thuốc lá thông thường, giới trẻ ngang nhiên thử dùng. Đó là nguyên nhân khiến tỷ lệ nghiện nicotine gia tăng nhanh, vượt kiểm soát.
Ước tính, trên thị trường hiện có khoảng 20.000 loại hương liệu sử dụng trong sản xuất thuốc lá điện tử. Trong đó nhiều loại chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại với sức khỏe.
Rất nhiều sản phẩm thuốc lá điện tử được nhà sản xuất ngụy trang trong các món đồ với hình thù bắt mắt. Ảnh: Như Loan.
Những hương vị ngọt, mùi thơm này có thể che giấu độ gắt của nicotine làm cho sản phẩm dễ chịu, dễ hít hơn. “Một số hương liệu sử dụng trong thuốc lá điện tử đã được chứng minh là làm tăng độc tính của sản phẩm”, ông Lâm nhấn mạnh.
Chuyên gia WHO tại Việt Nam cũng nêu rõ, tác hại của nicotine gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thanh thiếu niên, làm suy yếu sự trưởng thành não bộ, lâu dài gây nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập, rối loạn tâm thần. Đặc biệt, những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh khiến người dùng ở nhóm tuổi này dễ bị nghiện hơn.
Theo các chuyên gia, các sản phẩm thuốc lá kiểu mới còn có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy, các chất gây nghiện.
Thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn. Người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy, chất gây nghiện khác vào để sử dụng khó bị phát hiện.
Các chuyên gia khuyến nghị cần ban hành chính sách cấm lưu hành thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá nung nóng tại Việt Nam theo khuyến cáo của Bộ Y tế, WHO để ngăn chặn sự gia tăng sử dụng trong thanh thiếu niên.
Các đơn vị cũng cần tăng cường truyền thông nâng cao hiểu biết về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và trách nhiệm của cha mẹ, giáo viên, trẻ em trong bảo vệ trẻ em.
Theo Như Loan (VTC News)