Khi nhà giáo làm thơ, viết nhạc
Bằng niềm đam mê, nhiệt huyết, nhiều thầy giáo, cô giáo đã đến với văn học nghệ thuật. Không chỉ “trồng người”, họ còn là những nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ có những tác phẩm mang đến nhiều giá trị cho cộng đồng.
Giáo viên dạy toán thích làm thơ
Với nhiều người, toán học là môn khoa học khô khan, do đó những người dạy toán cũng thường thẳng thắn, bộc trực. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều giáo viên dạy toán lại rất lãng mạn, làm thơ và viết văn rất hay. Cô Lê Thị Kim Tiết ở phường Bình Định, TX An Nhơn là một điển hình như thế. Cô Tiết là giáo viên dạy toán tại Trường THCS Bình Định nhưng lại dí dỏm và có tâm hồn yêu thơ. Theo cô, văn thơ như lời tự sự, rung cảm của tác giả trước thiên nhiên, con người và cuộc sống.
Cô giáo Tiết sáng tác thơ bằng cả nỗi niềm chất chứa và đam mê để thỏa lòng mình, giãi bày tâm sự... Theo nhận xét của nhiều người, thơ cô mượt mà, giàu nữ tính, mang nhiều triết lý. Là người trải qua nhiều khó khăn, thăng trầm trong cuộc sống, nên phần lớn những tác phẩm của cô thường viết về phụ nữ, với khát vọng hạnh phúc, tinh thần lạc quan, luôn không ngừng nỗ lực vươn lên: “Em gánh mùa vàng đi/ Bỏ sau lưng mùa giông bão/ Gánh chênh vênh một thời cơm áo/ Thân cò khép nép nhà người” (tác phẩm Gánh); hay đâu đó trong thơ cô, ta bắt gặp hình ảnh của quê hương An Nhơn hào hùng với những giá trị văn hóa và lịch sử được mọi người yêu thích và ngợi khen: “Lối cũ anh về qua Phụ Ngọc/ Bồi hồi vó ngựa dấu kinh xưa/ Áo gấm người văn bên trang sách/ Gọi đất anh hùng đất hai vua” (tác phẩm An Nhơn khúc hát quê hương).
Cô giáo Kim Tiết tại chương trình ra mắt Tập san Văn nghệ An Nhơn. Ảnh: NVCC
Còn thầy Trần Văn Khánh (bút danh Thái An Khánh, SN 1978, hiện công tác tại Trường THPT Hòa Bình, TX An Nhơn), cho biết: “Tôi rất mê thơ và sáng tác thơ từ thời học sinh, sinh viên với nhiều thể loại: Lục bát, Haiku, hai câu, tự do, thơ văn xuôi về tình yêu đôi lứa, gia đình, quê hương…”.
Thơ của thầy Khánh được đông đảo bạn đọc đón nhận và yêu thích vì văn phong đa dạng, mới lạ. Tính đến nay, thầy đã viết và lưu lại hơn 400 bài thơ, trong đó có 2 tác phẩm đã xuất bản “Bùa môi” (NXB Văn học, 2012), “Khát xanh” (NXB Hội Nhà văn, 2019) và có nhiều tác phẩm đạt giải: Giải khuyến khích Giải thưởng Ðào Tấn - Xuân Diệu dành cho văn học, nghệ thuật tỉnh Bình Ðịnh lần thứ V (2011 - 2015), giải nhì cuộc thi thơ Haiku Nhật - Việt lần thứ 4; giải khuyến khích thơ cuộc thi sáng tác Văn học Bình Định mở rộng (2018 - 2019). Đặc biệt Thái An Khánh có nhiều bài thơ về người giáo viên, trường lớp.
Thầy giáo kiêm nhạc sĩ
Thầy giáo Huỳnh Văn Mật (còn được biết đến với nghệ danh Trọng Mật) hiện đang công tác tại Trường THCS Nhơn Phong (TX An Nhơn) có hơn 40 ca khúc về đề tài thiếu nhi, tình yêu đôi lứa, tình cảm quê hương như: Sơn ca xuống phố, Áo trắng duyên gì, Vọng núi Mò o, Cô giáo miền xa... “Tôi sinh ra từ gốc rạ, lớn lên bằng tiếng ru à ơi của mẹ và từ những vần thơ chan chứa bao nỗi niềm của cha, cứ như vậy từ những câu đồng dao của lũ trẻ trong xóm, từ những đêm hát bội, bài chòi ở đình làng đã nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc từng ngày... Lớn lên, như một sự sắp đặt hoàn hảo, tôi được làm thầy giáo, lại là thầy giáo dạy nhạc, vậy là ước mơ được nối nghiệp cha và tình yêu âm nhạc được chắp cánh”, nhạc sĩ Trọng Mật tâm sự.
Thầy giáo Huỳnh Văn Mật dạy nhạc cho học trò tại Trường THCS Nhơn Phong. Ảnh: NVCC
Chính vì bén duyên với văn học nghệ thuật, các thầy cô trên đã có dịp gặp gỡ khi cùng sinh hoạt tại Hội VHNT An Nhơn. Đây cũng là cầu nối để họ cùng nhau chia sẻ những giá trị về VHNT và âm nhạc. Chính nơi này là cơ duyên để nhạc sĩ Trọng Mật gặp gỡ cô Kim Tiết và cùng nhau cho ra đời ca khúc “An Nhơn khúc hát quê hương” được mọi người yêu thích. Ca khúc đã được Đài PT-TH Bình Định sử dụng làm nhạc nền cho phóng sự “An Nhơn nâng tầm đô thị”, trong dịp kỷ niệm 190 năm danh xưng An Nhơn. Đồng thời được UBND thị xã chọn biểu diễn trong đêm nghệ thuật khai mạc Lễ hội mai vàng An Nhơn.
Nhạc sĩ Lưu Nhất Phong đánh giá ca khúc “An Nhơn khúc hát quê hương” rất thành công, khi Trọng Mật đưa chất liệu âm nhạc tinh tế giúp hòa quyện giữa thơ và nhạc làm tôn lên nội dung và ý nghĩa của bài thơ. Ca khúc không chỉ thể hiện thông điệp về một vùng đất võ oai hùng mà còn cho thấy một An Nhơn không ngừng vươn lên đổi mới với các làng nghề truyền thống, góp phần quảng bá tình yêu và lòng tự hào dân tộc của người Bình Định.
Từng vần thơ, câu nhạc không đơn thuần chỉ là tâm sự niềm riêng mà tác giả còn gửi gắm bao điều về việc rèn luyện những phẩm chất giá trị đạo đức cao quý của con người, tình yêu gia đình, bạn bè, quê hương, đất nước… Nghệ thuật nói chung, thơ văn, âm nhạc nói riêng vốn dĩ không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, mà chỉ cần khi cảm xúc “lên ngôi” thì nghệ thuật sẽ nảy sinh và phát triển.
ÁI TRINH