Phải có phương pháp tính được thời gian hoàn thành công việc để xác định biên chế
Đó là vấn đề do đại biểu (ĐB) Đồng Ngọc Ba (Đoàn ĐBQH Bình Định) đặt ra khi tranh luận với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà liên quan đến vị trí việc làm.
Hoạt động này diễn ra chiều 7.11, trong phiên chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng ngành về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với các lĩnh vực: KH&CN; GD&ĐT; VH-TT&DL; y tế; LĐ-TB&XH; TT&TT.
ĐB Đồng Ngọc Ba chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ vào chiều 7.11. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
ĐB Đồng Ngọc Ba cho rằng, những giải trình của Bộ trưởng đối với các câu hỏi của các ĐBQH mới chỉ nói về tiến độ thực hiện vị trí việc làm.
Tiến độ thực hiện vị trí việc làm có chậm, song đến nay đã có thể yên tâm. Tuy nhiên, ĐB chưa yên tâm đối với chất lượng vị trí việc làm. Theo đánh giá của các chuyên gia và tổng hợp của ĐB Ba, hệ thống vị trí việc làm cơ bản chưa đảm bảo chất lượng. Do đó, khi triển khai tinh giản biên chế không đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng của bộ máy.
Cái gốc của việc xác định vị trí việc làm là phải xác định được chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc và đặc biệt là phải có phương pháp đo lường được thời gian cần phải có để hoàn thành được nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Hiện nay, cách làm thể hiện trong Nghị định 62/2020/NĐ-CP (về vị trí việc làm và biên chế công chức) cũng như Nghị định 106/2020/NĐ-CP (về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập) chưa rõ ràng về cơ sở nào để xác định “có từng đấy biên chế”. Nếu vị trí việc làm không phù hợp, chúng ta không thể xác định biên chế phù hợp được; chưa kể tạo tiền đề cho cải cách tiền lương cũng không không đảm bảo.
“Thế nên, tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ rà soát, đánh giá, kể cả những cơ quan, đơn vị đã có hệ thống vị trí việc làm được phê duyệt, và rà soát kỹ quy định, đặc biệt là Nghị định 62 và Nghị định 106 để quy định cho phù hợp. Trong đó, tâm điểm là cách thức, phương pháp để đo lường được lượng thời gian hoàn thành công việc để xác định biên chế. Nếu chưa thấy yên tâm về chất lượng của hệ thống vị trí việc làm thì chưa nên thực hiện cải cách tiền lương”, ĐB Đồng Ngọc Ba nói.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn về việc thực hiện vị trí việc làm. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Trả lời câu hỏi của ĐB Ba, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết việc thực hiện vị trí việc làm đã có kế hoạch triển khai từ năm 2012. Ở góc độ cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Bộ trưởng thừa nhận thực trạng chất lượng hệ thống vị trí việc làm còn chưa bảo đảm như đại biểu nêu. Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện lại và tham mưu thêm cho Ban Chỉ đạo Trung ương, Chính phủ về quản lý biên chế. Từ đó, tiếp tục nâng cao chất lượng vị trí việc làm, đáp ứng được yêu cầu về quản lý biên chế, yêu cầu thực hiện cải cách chính sách tiền lương; cũng như đáp ứng được yêu cầu về cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
NGUYỄN MUỘI