Việc nhỏ, lợi ích lớn
Hai tuần trước, cậu con trai học lớp 4 Trường Tiểu học Hoàng Quốc Việt (TP Quy Nhơn) háo hức thông báo: Con và các bạn sẽ gom hết những cuốn truyện đã đọc, gửi vào thư viện trường như lời cô dặn. Từ nay, chúng con sẽ đến thư viện, đọc truyện của nhau. Con tính, bạn nào không hiểu nội dung những cuốn truyện của con, con sẽ giải thích cho bạn.
Nói là làm, đầu giờ chiều đi học, cu cậu bỏ gọn gàng hơn chục cuốn truyện đã đọc nhưng còn mới toanh vào túi xách đi. Trước khi đi, con còn rủ mẹ tuần tới đi mua truyện mới.
Vẫn biết, con trai nghe lời thầy cô trên trường nhất, nhưng chị khá ngạc nhiên với thái độ của con. Nhiều phụ huynh khác gặp chị, cũng chia sẻ sự bất ngờ và niềm vui như vậy. Các ông bố, bà mẹ nhắc nhở nhau, rằng lúc vào năm học mới, nhà trường khuyến khích học sinh tặng sách giáo khoa cũ cho các em lớp dưới có hoàn cảnh khó khăn. Chị và nhiều phụ huynh rất vui mỗi khi nhà trường phát động, hưởng ứng những phong trào, cuộc vận động quyên góp tiền bỏ heo đất, đồ dùng học tập, đồ chơi đã dùng, sách giáo khoa cũ và giờ là truyện đã đọc để các con cùng đọc. Chị bàn với các phụ huynh khác, năm nay các con học sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, vậy nên hãy giữ gìn sách cẩn thận, để cuối năm, tặng lại em khóa sau có hoàn cảnh khó khăn. Con trai biết chuyện, gật đầu ngay, từ đó, con ý tứ sử dụng bút chì khi cần ghi chú vào sách, không dùng bút mực.
Những tuần qua, cùng với nỗ lực xây dựng thư viện trường đạt chuẩn theo quy định mới, nhiều trường hợp kêu gọi, vận động học sinh, cựu học sinh, phụ huynh, nhà hảo tâm đóng góp tiền, sách mới, sách cũ để thư viện đa dạng loại sách phục vụ nhu cầu của học sinh. Một số trường còn có kế hoạch tổ chức những ngày hội đọc sách, thi kể chuyện sách, thi đọc sách nhanh... làm nhiều phụ huynh khấp khởi mừng. Việc góp sách, góp truyện được kỳ vọng sẽ dần hình thành thói quen đọc sách, văn hóa đọc cho học sinh để tăng hiểu biết các vấn đề xung quanh và giảm tiếp xúc với các thiết bị điện tử đang phổ biến hiện nay.
NGỌC NGA