Diễn viên tuồng Cẩm Nhung:
Đào trẻ triển vọng
Là thí sinh trẻ nhất tại Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu tuồng chuyên nghiệp toàn quốc - 2014 và cũng là “lần đầu làm vai chính”, cô diễn viên trẻ Bùi Thị Cẩm Nhung của Nhà hát tuồng Đào Tấn đã xuất sắc giành Huy chương Bạc (với vai Lan Anh trong tuồng “Hộ sanh đàn”). Thành tích này là nguồn khích lệ lớn để Cẩm Nhung thêm vững bước trên nghiệp tuồng còn dặm dài gian khó…
Từ chiếc nôi nghệ thuật của gia đình
Năm nay Cẩm Nhung 26 tuổi, cô sinh ra trong một gia đình có truyền thống nối nghiệp tuồng ở xã Cát Lâm, huyện Phù Cát. Nhung là thế hệ thứ 3 trong “gia đình hát bội nông dân” này. Ông ngoại là Nguyễn Ngọc Ân, diễn viên của Đoàn tuồng Nghĩa Bình ngày trước. Mẹ là Nguyễn Thị Đào, theo cha đi hát tuồng từ nhỏ và có thời gian làm diễn viên ở Nhà hát tuồng Đào Tấn. “Khi các cô chú ở Nhà hát về quê tôi tuyển diễn viên tuồng, đến thăm chơi nhà ông ngoại, mối duyên nghiệp một thời với tuồng của ông và mẹ như trỗi dậy. Ông cho gọi hai cháu ngoại (Cẩm Nhung cùng chị ruột lớn hơn 2 tuổi - Bùi Thị Cẩm Quyên) và cháu nội (Nguyễn Thái Phiên) đến, định hướng đi theo tuồng. Có thể nói lúc đó, ý nghĩ về việc tiếp nối truyền thống gia đình là động lực duy nhất để anh em chúng tôi đến với nghề”, Cẩm Nhung kể.
Vậy là sau đó, cả ba anh em khăn gói vào Quy Nhơn trọ học, sau đó cùng thi đỗ vào lớp diễn viên tuồng khóa 6, trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Bình Định. Tuy nhiên, đáng tiếc là sau khi tốt nghiệp ra trường, cô chị Cẩm Quyên vì lý do riêng đã không theo nghề.
Cẩm Nhung tâm sự, đến phần thi của mình, gần nửa giờ cô hóa thân làm nhân vật liệt nữ Lan Anh lạc đẻ giữa rừng hoang thì cũng chừng ấy phút giây người mẹ quê tảo tần của cô dõi theo không rời từ hàng ghế khán giả. Biết con “lần đầu ứng thí”, vợ chồng bà Nguyễn Thị Đào đã xuống Quy Nhơn để làm “hậu phương” trong lần con tham gia một cuộc thi lớn hội tụ diễn viên tuồng trẻ tài năng trong cả nước. Có lẽ, với cô đào hát bội chân quê Nguyễn Thị Đào, nghề tuồng tuy đã dứt nhưng nghiệp tuồng còn vương mang.
Bà tâm sự: “Đúng là lúc đầu Nhung đi theo tuồng là vì được định hướng nhưng cho tới giờ, tôi chưa nghe con than vãn rằng nghề khổ hay nghèo hoặc có ý định chuyển nghề. Nó chỉ buồn một nỗi là đã lớn, học ra trường và đi làm mà vẫn phải xin tiền nhà. Thử hỏi, lương diễn viên tuồng trung cấp chưa vào biên chế chỉ 2,3 triệu mỗi tháng thì làm sao các cháu đủ sống? Biết con áy náy, tôi hay “ngầy”: cha mẹ chỉ thương con cái khổ chứ không ai trông mong con học nghề nào kiếm được nhiều tiền để giúp đỡ, báo hiếu. Tôi luôn động viên con “đã mang lấy nghiệp vào thân” thì nỗ lực và tận tâm, noi gương ý chí các thế hệ nghệ sĩ đi trước bởi nghề tuồng thời nào cũng nghèo…”.
Cô đào thương trẻ sáng giá
Vóc dáng thanh mảnh, xinh xắn và có giọng hát mượt mà, đầy đặn, Cẩm Nhung là mẫu diễn viên lý tưởng cho dạng vai đào thương. Thế mạnh, sở trường này của Nhung đã được nhìn thấy từ khi còn học trong trường (Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Bình Định). Ngoài vai Lan Anh, Nhung còn được dạy vai Tạ Phương Cơ và cũng đã thử sức với dạng vai đào thương pha đào chiến là Đào Tam Xuân, công chúa Trại Ba…
Tại Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu tuồng chuyên nghiệp toàn quốc - 2014, cùng thi vai Lan Anh trong trích đoạn “Lan Anh lạc đẻ”, ngoài Cẩm Nhung còn có 1 diễn viên của Đoàn nghệ thuật tuồng Thanh Hóa và 1 đại diện của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng). Vai chọn dự thi tuy có tính cạnh tranh, đặt trong thế so sánh với hai đồng nghiệp khác, song “nàng Lan Anh” dưới sự hóa thân của Cẩm Nhung nhận được nhiều thiện cảm và nhận xét tích cực từ khán giả. Một khán giả ngồi cạnh tôi tại hội trường Trung tâm Văn hóa tỉnh sáng 28.7, khi xem Nhung diễn, đã bật thốt lên: “Đó đúng là nàng Lan Anh của phong cách tuồng Bình Định!”.
NSND Hòa Bình, thành viên Ban giám khảo, cũng là người rất thành công với vai Lan Anh, nhận xét: “Trong “3 Lan Anh”, “Lan Anh - Cẩm Nhung” trẻ nhất, chưa làm mẹ và trải qua nỗi đau sinh nở để có trải nghiệm thực tế làm hỗ trợ cho diễn xuất song đã thể hiện sâu và xúc động hình tượng sân khấu Lan Anh. Nhung đạt điểm 8,88, chiếu theo tiêu chí xếp hạng huy chương là đứng đầu bảng của Huy chương Bạc. Điều quan trọng hơn hết là ở Nhung có một sức tiếp nhận tốt, sẽ thành công hơn nếu có sự đam mê học hỏi, đầu tư, chuẩn bị kỹ càng hơn. Cuộc thi này đã qua song nếu Nhung ý thức được điều này thì sẽ rất có ích cho chặng đường làm nghề lâu dài của em sau này”.
NSND Hòa Bình cũng lưu ý thêm, tuy lần đầu thử sức và đã đạt thành tích khá cao tại một cuộc thi “sát hạch” chuyên môn cấp quốc gia, song Cẩm Nhung cũng còn mắc một số lỗi trong diễn xuất. Đó là nắm vững các trình thức biểu diễn, thể hiện các cung bậc cảm xúc và điều tiết tiết tấu cho hợp lý, nghệ thuật diễn bằng mắt… “Hạn chế của Cẩm Nhung cũng là lỗi phổ biến của hầu hết 40 diễn viên trẻ tham gia Cuộc thi này, bắt nguồn từ nguyên nhân vì các em ít được thao tác, ít được làm vai để tích lũy kinh nghiệm biểu diễn. Diễn viên tuồng không thể “ngồi tư duy” để mà biểu diễn cho đúng, phù hợp, hay được mà nhất định phải được thực hành, phải lăn lộn trên sân khấu thì mới giỏi nghề được!”, NSND Hòa Bình trăn trở.
SAO LY